Mặc dù Iran luôn tự hào về trữ lượng khí đốt khổng lồ, nhưng nước này đang đối mặt với tình trạng mất điện, đóng cửa nhà máy hoặc các cơ sở sản xuất do thiếu khí đốt và nguy cơ phải dựa vào nhập khẩu. Vậy nguyên nhân sâu xa nào đã dẫn đến nghịch lý này?
Lao đao vì thiếu khí đốt
Người dân di chuyển trên phố tại Tehran, Iran ngày 19/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Kênh DW (Đức) cho biết, Iran là một trong những quốc gia sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên và dầu thô lớn nhất thế giới. Iran được ban tặng trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới và trữ lượng dầu thô lớn thứ tư.
Tuy nhiên, gã khổng lồ năng lượng này đang chật vật bởi tình trạng thiếu nhiên liệu, với nhu cầu về khí đốt tự nhiên vượt xa sản lượng. Trong những ngày gần đây, do buộc phải hạn chế điện, Iran đã chỉ thị đóng cửa trường học và văn phòng công trên khắp cả nước, đồng thời tắt đèn chiếu sáng ở những cao tốc chính tại thủ đô Tehran và nhiều nơi khác.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian thậm chí kêu gọi người dân hạ 2 độ C nhiệt độ trung bình trong nhà để giúp chính phủ đối phó với khủng hoảng năng lượng. Diễn biến này phản ánh mức độ đáng báo động của tình trạng thiếu hụt năng lượng ở Iran. Tình trạng này trầm trọng hơn do Iran phụ thuộc quá nhiều vào các nhà máy điện khí đốt, chiếm tới 86% tổng sản lượng điện của cả nước vào năm 2023.
Tình trạng thiếu khí đốt đã buộc Iran phải sử dụng mazut - loại dầu nặng rẻ tiền và gây ô nhiễm cao - để tạo ra điện. Vậy nguyên nhân đằng sau tình trạng thiếu khí đốt là gì?
Về phần mình, các quan chức Iran cáo buộc lệnh trừng phạt của phương Tây đã dẫn đến diễn biến này. Các lệnh trừng phạt nhằm kiềm chế chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Tehran, đã nhắm thẳng vào lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ, ngân hàng và vận chuyển của nước này, cùng nhiều lĩnh vực khác. Chúng thực sự làm tê liệt nền kinh tế của nước này.
Tehran phàn nàn rằng các lệnh trừng phạt đã cản trở đầu tư vào phát triển mỏ khí đốt, xây dựng nhà máy điện và cải thiện hiệu quả. Tuy nhiên, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy Iran đã thu về 144 tỷ USD từ dầu mỏ trong ba năm đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Nhà báo Arezoo Karimi tại IranWire, lập luận rằng mặc dù Iran có doanh thu đáng kể từ xuất khẩu dầu mỏ, nhưng phần lớn khoản tiền này đã được chuyển hướng để tài trợ cho các ưu tiên địa chính trị của Tehran. Bà cho biết Iran đã chi hơn 25 tỷ USD dành cho Syria, chủ yếu thông qua hỗ trợ dầu mỏ.
Ngoài ra, nhà phân tích Omid Shokri tại công ty tư vấn Gulf State Analytics (GSA) trụ sở tại Washington, nhận định rằng các công ty nước ngoài khó có thể đầu tư vào Iran, cho đến khi nước này đạt được thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và Tehran tuân thủ các tiêu chuẩn của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF). "Ngay cả khi Iran đáp ứng các điều kiện này ngay hôm nay, các công ty nước ngoài cũng sẽ mất từ 3 đến 5 năm để quay trở lại", ông Shokri lưu ý.
Ông còn quan ngại rằng Iran phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khí đốt tự nhiên hàng ngày là 350 triệu mét khối, thiếu hụt điện 20 gigawatt và mức tiêu thụ xăng tăng vọt lên mốc15 triệu lít mỗi ngày. Ông Shokri kết luận: “Cuộc khủng hoảng năng lượng này là nghiêm trọng nhất kể từ cách mạng Hồi giáo năm 1979”.
Chiến lược sai lầm
Nhà máy lọc dầu Isfahan ở Iran. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Trong khi các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng đa dạng hóa năng lượng của họ - cân bằng than, khí đốt tự nhiên, dầu và năng lượng tái tạo - thì Iran lại phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt tự nhiên.
Hơn 95% hộ gia đình Iran được kết nối với đường ống dẫn khí đốt, một trọng tâm về cơ sở hạ tầng mà các nhà phân tích cho là sai lầm.
Chuyên gia năng lượng Hossein Mirafzali đánh giá: "Iran đã lắp đặt 430.000 km đường ống để cung cấp khí đốt cho cả những ngôi làng xa xôi nhất. Tuy nhiên, việc ưu tiên sử dụng cho mục đích dân dụng hơn công nghiệp đã gây ra tổn thất kinh tế nghiêm trọng. Tình trạng thiếu khí đốt buộc các ngành công nghiệp phải đóng cửa, gây ra thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế".
Hơn thế nữa, thực tế Iran phụ thuộc vào các nhà máy điện chạy bằng khí đốt cũng làm trầm trọng thêm tác động đối với môi trường. Các nhà phân tích dự đoán, nếu không có giải pháp tức thời, Iran sẽ buộc phải nhập khẩu khí đốt tự nhiên để đáp ứng nhu cầu trong nước. Turkmenistan vẫn là lựa chọn khả thi nhất.
Diễn biến này nhấn mạnh một nghịch lý: quốc gia được ban tặng trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ lại có nguy cơ trở thành nước nhập khẩu năng lượng? Theo DW, cuộc khủng hoảng năng lượng của Iran phản ánh nhiều thập kỷ quản lý sai lầm, hậu quả từ lệnh trừng phạt...
Việc giải quyết những thách thức mang tính hệ thống này sẽ đòi hỏi cần phải có thay đổi cơ bản về chiến lược và quản trị. Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu không thay đổi, Iran có nguy cơ rơi vào trì trệ kinh tế sâu sắc và phải dựa nhiều vào nhập khẩu năng lượng.
Hà Linh/Báo Tin tức (Theo DW)