Trong quý 3 vừa qua, một số doanh nghiệp thép vẫn tiếp tục xu hướng tăng trưởng mạnh so với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, nhưng đã giảm nhiệt hơn so với quý liền trước.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép có xu hướng phân hoá rõ hơn trong quý 3/2024. Ảnh minh họa:
Ở khối các doanh nghiệp đầu ngành, Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG) vẫn dẫn đầu về lợi nhuận. Trong quý 3/2024, doanh nghiệp mang về 34.300 tỷ đồng doanh thu, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 3.022 tỷ đồng, tăng 51% nhưng giảm 9% so với quý 2 liền trước.
So với quý 2, doanh thu và lợi nhuận của HPG giảm 14%, được công ty giải thích do sự sụt giảm về sản lượng và giá bán của mặt hàng thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC). Tuy nhiên giá nguyên vật liệu cũng diễn biến giảm trong quý 3 giúp làm hạ giá thành sản xuất tương ứng, do đó không gây tác động lớn đến biên lợi nhuận.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Hòa Phát ghi nhận 105.329 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023 và hoàn thành 75% kế hoạch năm 2024; lợi nhuận sau thuế đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ và hoàn thành 92% kế hoạch lợi nhuận năm.
Thép Nam Kim (mã NKG) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý 3 với doanh thu 5.188 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh từ mức 4,8% của cùng kỳ lên 8,7%, giúp công ty lãi sau thuế 65 tỷ đồng, gấp 2,7 lần quý 3/2023. Tuy nhiên so với hai quý liền trước thì mức lợi nhuận này sụt giảm mạnh.
Năm 2024, Thép Nam Kim đặt kế hoạch tổng doanh thu 21.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng, tăng 137%. Với con số lợi nhuận trước thuế 543 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, công ty đã vượt 29% kế hoạch.
Ngược chiều, Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) lại báo lỗ trong quý cuối cùng của niên độ tài chính 2023 - 2024 (niên độ tài chính của Hoa Sen bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau).
Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.109 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên giá vốn bán hàng tăng mạnh hơn khiến biên lợi nhuận gộp sụt giảm xuống mức 8,4%, so với cùng kỳ đạt 13,2%. Các chi phí cũng tăng mạnh khiến Hoa Sen lỗ sau thuế 186 tỷ đồng, so với cùng kỳ niên độ trước có lãi 438 tỷ đồng.
Mặc dù lỗ lớn trong quý cuối nhưng nhờ kết quả tích cực của những quý trước, niên độ tài chính 2023 - 2024 của HSG vẫn khép lại với sự thành công.
Doanh thu thuần của công ty trong cả niên độ đạt 39.272 tỷ đồng, tăng 24% so với niên độ trước, lợi nhuận sau thuế đạt 510 tỷ đồng, gấp 17 lần. So với hai kịch bản kinh doanh đặt ra có niên độ 2023 - 2024, công ty đều vượt kế hoạch cả về doanh thu và lợi nhuận.
Khối các công ty thép top sau ghi nhận buồn nhiều hơn vui trong kết quả kinh doanh quý 3/2024. Doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng tích cực chỉ có Thép tấm lá Thống Nhất (mã TNS) với lãi sau thuế gần 11 tỷ đồng, gấp 3 lần quý 3/2023. Động lực là nhờ doanh thu tăng 44% và biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 1,8% của cùng kỳ lên 3,3%.
Ống thép Việt - Đức (mã VGS) đạt doanh thu thuần 1.907 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng khiến lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ tăng nhẹ, đạt 9,5 tỷ đồng.
Số công ty báo lỗ áp đảo hơn. Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) lỗ sau thuế hơn 82 tỷ đồng. Thép Thủ Đức - VNSteel (mã TDS) lỗ 6,6 tỷ đồng. Thép Tiến Lên (mã TLH) lỗ hơn 122 tỷ đồng. Gang thép Thái Nguyên (mã TIS) lỗ 79 tỷ đồng. Thép Vicasa - VNSteel (mã VCA) lỗ 3,3 tỷ đồng.
Trong báo cáo phát hành cuối tháng 9/2024, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, trong quý 3/2024, các doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi trong bối cảnh áp lực giảm giá từ thép Trung Quốc tăng mạnh do nhu cầu yếu tại nước này và các thị trường xuất chính như EU, Mỹ có động thái điều tra chống bán phá giá. Tuy nhiên, nhu cầu nội địa trở thành điểm sáng khi tiêu thụ nội địa tăng trưởng 20% so với cùng kỳ, nhờ đóng góp của thép xây dựng với mức tăng 25%.
Trong quý cuối năm, MBS dự báo giá thép trong nước có nhiều triển vọng phục hồi nhờ áp lực từ thép Trung Quốc giảm khi Trung Quốc đã tung ra hàng loạt các biện pháp kích thích kinh tế mới nhằm vực lại thị trường bất động sản. Những nỗ lực này có thể khiến giá thép Trung Quốc phục hồi và làm giảm lợi thế về thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở cải thiện và giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh cũng là những động lực tăng trưởng cho giá thép nội địa.
Thực tế, giá thép đã có sự cải thiện trong tháng 10 vừa qua, tuy nhiên đà tăng vẫn chưa ổn định.