Các nghiệp đoàn và nạn quan liêu được cho đang làm chậm tiến trình xây dựng nhà máy của TSMC tại bang Arizona (Mỹ). Trong khi đó, TSMC rất suôn sẻ khi đầu tư vào Nhật Bản.
TSMC mới khai trương nhà máy sản xuất chip tiên tiến tại Nhật Bản nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Tokyo
Trên đảo Kyushu của Nhật Bản, thành quả của chính sách hậu thuẫn ngành bán dẫn của Tokyo đang thành hình. Ngày 24/2, nhà sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới TSMC đã khai trương nhà máy chế tạo đầu tiên tại nước này, trị giá khoảng 8,6 tỷ USD. Đầu tháng, công ty cũng đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy thứ hai gần đó.
Ngược lại với sự chào đón của người Nhật, gã khổng lồ chip của Đài Loan lại rất vất vả ở Mỹ. Mùa hè năm 2023, tập đoàn này đã phải lùi thời điểm bắt đầu sản xuất tại nhà máy đầu tiên trong số hai nhà máy mà họ dự kiến xây dựng ở Arizona từ năm 2024 đến năm 2025.
Vào tháng 1, TSMC đã phải thông báo nhà máy thứ hai sẽ không thể đi vào hoạt động cho đến năm 2027 hoặc 2028, dù trước đó, tập đoàn này dự kiến mở cửa vào năm 2026. Cơ sở thứ hai nhằm sản xuất chip 3 nanomet (nm), loại chip tiên tiến nhất hiện nay trên thị trường, nhưng TSMC dường như không còn chắc chắn về điều đó tại Mỹ nữa.
Cả chính phủ Nhật Bản và Mỹ đều mong muốn mở rộng sản xuất chip trong nước và đang thu hút sự hiện diện của các công ty nước ngoài. Nhưng tốc độ triển khai khác biệt đã bộc lộ những rào cản về thu hút đầu tư nước ngoài của Mỹ.
Điểm khác biệt đầu tiên là trong quan hệ lao động. Tại Mỹ, TSMC đã phải đau đầu trong cuộc tranh cãi kéo dài với Hội đồng Thương mại Xây dựng Arizona, một hiệp hội của các liên đoàn lao động. Vấn đề mấu chốt ở việc công ty này muốn sử dụng công nhân Đài Loan để xây dựng các nhà máy cuối cùng, nhưng rốt cuộc họ đã phải nhượng bộ vào tháng 12/2023 với lời hứa TSMC sẽ thuê và đào tạo công nhân địa phương.
Trong khi đó, hoạt động công đoàn tương đối hiếm ở Nhật Bản. Nước Mỹ thiệt hại khoảng 1 triệu ngày công lao động mỗi năm do công nhân ngừng việc. Con số này ở Nhật Bản chỉ là hơn 10.000 ngày.
Điểm quan trọng hơn, hệ sinh thái các đối tác địa phương hiệu quả là lý do thứ hai khiến công việc của TSMC tại Nhật Bản trở nên suôn sẻ hơn. Denso, một nhà sản xuất phụ tùng ô tô, hay chi nhánh sản xuất chip của Sony đều nắm một phần trong công ty con của TSMC tại Nhật Bản. Đầu tháng này, Toyota cũng đã đầu tư vào liên doanh này.
Nhà máy hiện đại bậc nhất của TSMC ở Arizona gặp nhiều trục trặc do những lý do khác nhau, từ tranh cãi lao động đến thủ tục hành chính
Không chỉ đóng góp vốn hay kinh nghiệm thực hiện dự án tại Nhật, các công ty này cũng sẽ trở thành khách hàng chính của TSMC trong tương lai. Những con chip sẽ trở thành phần quan trọng trong các sản phẩm điện máy của Sony hay xe hơi của Toyota, tạo nên một vòng lặp cùng có lợi. Ngược lại, công ty Đài Loan đang phải tự xoay sở một mình ở Arizona, nơi dự án lớn gần nhất là từ những năm 1990.
Sự khác biệt cuối cùng liên quan đến các khoản trợ cấp. Cả Nhật Bản và Mỹ đều hứa hẹn với các nhà sản xuất chip toàn cầu về các khoản tài trợ lớn, nhưng tốc độ giải ngân đã tạo khác biệt.
Trong khi TSMC đã nhận được tiền từ chính phủ Nhật Bản, tương ứng với một nửa chi phí vốn cho dự án Kumamoto, thì họ vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ Mỹ theo Đạo luật CHIPS được thông qua vào năm 2022. Việc giải ngân đã bị chậm lại do các cuộc đàm phán về các điều kiện, bao gồm cả lợi nhuận mà chính phủ Mỹ sẽ được hưởng trong tương lai, theo Stephen Ezell của Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington.
Sự chậm trễ có thể kéo dài khi còn nhiều điều kiện khác mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng khi hoạt động ở Mỹ. Vào tháng 10/2023, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã cảnh báo rằng các dự án như của TSMC có thể bị trì hoãn trong nhiều năm do cần các đánh giá về môi trường trước khi nhận được nguồn tài trợ của liên bang, trừ khi chúng được miễn trừ vì lý do an ninh quốc gia.
Trong một cuộc khảo sát với khoảng 200 công ty bán dẫn của Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ, 64% cho rằng các quy định về môi trường là một trong những vấn đề pháp lý lớn nhất của họ, so với 21% đề cập đến các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và 18% đề cập đến giấy phép và quy định pháp luật địa phương.
Trong khi đó, chi phí xây dựng và trang bị tại các địa điểm sẽ ngày càng tăng lên nếu sự trì hoãn càng kéo dài, làm tổn hại niềm tin của các nhà đầu tư. Mark Liu, Chủ tịch của TSMC vào tháng 1 vừa qua đã cảnh báo rằng công nghệ ở nhà máy thứ hai ở Arizona cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào các ưu đãi được đưa ra.
Nhưng Nhật Bản cũng không thể quá tự hào về điều này. Nhà máy mới khai trương ở Kumamoto vào ngày 24/2 chỉ sản xuất chip có kích thước từ 12nm đến 28nm, kém tiên tiến hơn nhiều so với các chip 3nm đang xây dựng ở Arizona.
Để hướng tới các công nghệ đi đầu, Tokyo dường như không đặt nhiều kỳ vọng vào hợp tác với TSMC. Rapidus, một công ty Nhật Bản được thành lập vào năm 2022 với sự hỗ trợ của 8 tập đoàn lớn nhất đất nước đang đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt chip 2nm tiên tiến nhất vào năm 2027.
Từ câu chuyện của Mỹ và Nhật Bản, các quốc gia có thể rút ra nhiều bài học trong việc thu hút FDI, như đơn giản hoá các thủ tục hành chính, có chính sách ưu đãi và hỗ trợ rõ ràng, đặc biệt phải tìm cách chiếm được niềm tin của các nhà đầu tư FDI...