Công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị một số mã cổ phiếu cần quan tâm cho phiên giao dịch hôm nay 8/10.
Khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu REE
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), kể từ “Báo cáo ngành điện nửa cuối năm 2024 tháng 5/2024”, giá cổ phiếu của CTCP Cơ điện lạnh (REE) đã tăng hơn 15%. Mặc dù giá cổ phiếu gần sát với giá mục tiêu, VCBS nhận thấy diễn biến tích cực từ nhóm thủy điện nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi và dự án điện gió mới của REE. VCBS sẽ cập nhật cung cấp báo cáo chi tiết khi doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh.
Theo thông tin của EVN, sản lượng điện toàn hệ thống trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 232,6 tỷ kWh (tăng 11% so với cùng kỳ), trong đó sản lượng điện thủy điện đóng góp 66,6 tỷ kWh (tăng 15%) chiếm 28%. Đáng chú ý, sản lượng thủy điện trong quý III/2024 đạt 37,97 tỷ kWh tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm 2023. Sự tăng trưởng mạnh này đến từ: Hiện tượng El Nino qua đi, sản lượng nước về các hồ chứa dồi dào với lượng mưa tăng mạnh; Các nhà máy thủy điện được ưu tiên huy động khi thời tiết thuận lợi sau giai đoạn phải tích nước chủ động chuẩn bị cho cao điểm nắng nóng.
Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/10 (Ảnh minh họa: KT)
Đối với REE, doanh nghiệp có công suất điện khoảng 1051 MW, trong đó 53% được đóng góp từ thủy điện. VCBS cho rằng, sản lượng điện của REE trong quý III/2024 sẽ có sự cải thiện đáng kể so với đầu năm.
Trong quý II/2024, REE đã mua lại 70% dự án điện gió Duyên Hải, REE cho biết sẽ bắt đầu xây dựng từ quý II/2025 và kỳ vọng vận hành thương mại từ quý I/2026.
Dựa trên khung pháp lý hiện hành, chúng tôi cho rằng REE và công ty mua bán điện của EVN sẽ đàm phán theo thông tư 19/2023/TT-BCT được ban hành ngày 1/11/2023. VCBS đánh giá, giá bán điện của các dự án điện gió trong thời gian tới có khả năng cao sẽ không cao hơn so với giá bán điện của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp do LCOE có xu hướng giảm trong dài hạn. VCBS cho rằng, các chủ đầu tư có thể đạt được IRR của dự án khoảng 10% nếu tận dụng tối ưu được các phương án thu xếp vốn, đầu tư và triển khai, vận hành nhà máy.
Nhìn chung, việc triển khai điện gió Duyên Hải sẽ giúp REE tăng trưởng công suất, sản lượng nhưng không quá đột biến. Tuy nhiên, việc triển khai được một dự án điện gió mới sẽ là một bước đi đột phá để REE có thể tiếp tục thực hiện các dự án tiếp theo. Tại AGM 2024, REE chia sẻ đang có kế hoạch dự kiến triển khai thêm các dự án điện gió tại Trà Vinh – vùng có lưu lượng gió tương đối ổn định.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PNJ
Công ty Chứng khoán TPBank (TPS) khuyến nghị mua cổ phiếu CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá mục tiêu 119.000 đồng/cổ phiếu dựa trên luận điểm đầu tư: Doanh thu mảng bán lẻ phục hồi nhờ số lượng và doanh thu trên mỗi cửa hàng tăng lên. Do nền kinh tế chưa phục hồi mạnh ở những tháng đầu năm, thị hiếu mua vàng miếng để dự trữ cao, và các cửa hàng bán lẻ trang sức mở mới chưa hoạt động ở mức tối ưu nên doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng ghi nhận giảm nhẹ từ 5,4 tỷ đồng/tháng trong nửa cuối năm.
Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/10 (Ảnh minh họa: KT)
TPS kỳ vọng doanh thu trên mỗi cửa hàng của PNJ sẽ tăng lên trong những tháng còn lại của năm 2024, đặc biệt là lễ tết nguyên đán đang tới gần. Bên cạnh đó, số lượng cửa hàng bán lẻ trang sức của PNJ cũng đang có xu hướng tăng nhanh ở những tháng cuối năm khi nền kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng ngày càng cao, xuất khẩu cũng đang phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất đã và đang đem lại thu nhập ổn định cho người tiêu dùng.
Hơn nữa, đô thị hóa của Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng cao không chỉ thúc đẩy nhiều cửa hàng bán lẻ trang sức (khách hàng sỉ của PNJ) mà còn tạo tạo nhiều dư địa hơn cho PNJ mở thêm các cửa hàng mới và tăng doanh thu trên các cửa hàng hiện hữu. Bên cạnh đó, khi mảng kinh doanh vàng miếng hạ nhiệt, PNJ sẽ dồn nhiều nguồn lực hơn cho mảng kinh doanh bán lẻ và bán sỉ.
Triển vọng dài hạn: Ngành công nghiệp trang sức còn rất nhiều tiềm năng phát triển ở Việt Nam do tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, thu nhập của người dân ngày càng nâng cao cũng thúc đẩy xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các mặt hàng xa xỉ như vàng và trang sức. Bên cạnh đó, vàng và các sản phẩm về vàng không chỉ là trang sức mà còn là tài sản dự trữ của người dân Việt Nam. Trong khi đó, ngành công nghiệp trang sức vẫn còn khá mới ở Việt Nam nên chưa có nhiều lao động kỹ năng và doanh nghiệp lớn và có thương hiệu lâu đời như PNJ.
Diệp Diệp/VOV.VN