Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào tình hình kinh tế - chính trị ổn định, chính sách ưu đãi hấp dẫn, chi phí sản xuất cạnh tranh. Trong đó, với hạ tầng giao thông phát triển hiện đại, miền Bắc đang dẫn đầu trong thu hút đầu tư, đặc biệt là từ các tập đoàn công nghệ lớn.
Căn cứ địa cho sản xuất và xuất khẩu
Thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2024 đã và đang chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ. Các chuyên gia nhận định, nguyên do là bởi tỷ giá hối đoái giữa VND và USD ổn định so với các quốc gia trong khu vực, cùng với các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT), mức tăng trưởng GDP ấn tượng, đang tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trước các đối thủ cạnh tranh như Malaysia và Indonesia...
Theo dữ liệu từ Asian Development Bank năm 2024, lực lượng lao động của Việt Nam trong độ tuổi trung bình hơn 32, cho thấy tiềm năng phát triển trong tương lai. Đồng thời, mức lương mà các công nhân sản xuất tại Việt Nam nhận được thấp hơn so với hầu hết các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chuyển trọng tâm từ các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng thấp sang thu hút các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao, qua đó củng cố vị thế một thị trường mới nổi của khu vực. Việt Nam cũng đang liên tục cho thấy, khả năng cạnh tranh qua việc chuyển đổi định hướng từ nền kinh tế nông nghiệp sang tập trung vào xuất khẩu, đặc biệt là lĩnh vực điện tử và chế biến.
Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng đầu năm 2024, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 16,39 tỷ USD, chiếm 69,5% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm, phản ánh sự ưu tiên của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Sự tập trung của FDI vào lĩnh vực sản xuất và chế biến không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ liên quan.
Các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng được lựa chọn là điểm đến của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.
Sơ đồ Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Hưng Yên
Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiếm 6,42% diện tích cả nước với khoảng 21.278 km. Đây là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và là cửa ngõ phía Bắc của Việt Nam và ASEAN trong kết nối kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường lớn nhất của khu vực.
Khu vực này được quy hoạch đến năm 2050 trở thành trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Quy hoạch cũng xác định tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại như điện tử, sản xuất phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp phụ trợ, các dịch vụ thương mại, logistics, tài chính - ngân hàng, du lịch, viễn thông, y tế chuyên sâu. Mở rộng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến.
Trong đó, các tỉnh trọng điểm công nghiệp như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc phát triển thành tiểu vùng phía Bắc gắn chặt với phát triển vùng Thủ đô Hà Nội, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là công nghiệp cơ điện tử, chíp bán dẫn, sản phẩm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, sản xuất robot.
Về hạ tầng kỹ thuật, các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Hồng sở hữu đầy đủ các loại hình giao thông như đường bộ, đường thủy, đường hàng không, cảng biển và đặc biệt là có hệ thống đường sắt kết nối nhiều địa phương trong vùng.
Theo Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, hệ thống hạ tầng giao thông khu vực này sẽ ngày càng được đầu tư với hành lang kinh tế Bắc - Nam theo hướng cao tốc Bắc Nam phía Đông, phía Tây, quốc lộ QL 1 (Bắc Ninh - Hà Nội - Ninh Bình), hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Kim Sơn, Ninh Bình, hành lang QL18 (Nội Bài - Hạ Long).
Song hành với sự phát triển về hạ tầng là thành công trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, đặc biệt 4 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đã dần hình thành một cực tăng trưởng kinh tế quan trọng ở phía Bắc.
Với sự có mặt của nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới, vùng đồng bằng sông Hồng đang là căn cứ địa cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt nơi đây còn hội tụ nhiều "đại bàng" trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, LG, General Electric, Mitsubishi, Panasonic…
Cơ hội đầu tư đất công nghiệp tại khu vực phía Bắc
Miền Bắc là điểm sáng về thu hút FDI.
Theo CBRE, trong 9 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản công nghiệp miền Bắc tiếp tục ghi nhận diễn biến khả quan.
Giá thuê đất công nghiệp tại các thị trường cấp 1 như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên đạt trung bình 137 USD (hơn 3,4 triệu đồng)/m2 cho kỳ hạn còn lại, tăng 4,6% theo năm. Ngoài ra, diện tích hấp thụ trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 330ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình các tỉnh trọng điểm miền Bắc đạt 80% vào quý 3/2024, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến hết quý 3/2024, tỷ lệ lấp đầy của nhà xưởng xây sẵn tại các tỉnh thành cấp 1 đạt 91%, tăng 9 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhu cầu tích trữ hàng hóa phục vụ dịp lễ cuối năm giúp tỷ lệ hấp thụ của nhà kho xây sẵn cải thiện, tăng gấp 2 lần so với quý trước đó, đạt 67.000m2. Tỷ lệ lấp đầy tới hết quý 3/2024 đạt 80%, tăng 4 điểm phần trăm so với cùng kỳ.
Do nhu cầu ổn định và tỷ lệ lấp đầy khả quan hơn, mức tăng giá thuê nhà xưởng xây sẵn cũng rõ rệt hơn so với nhà kho xây sẵn. Giá thuê trung bình của nhà xưởng xây sẵn tới hết quý đạt 4,87 USD/m2/tháng, tăng 1,9% so với cùng kỳ, còn giá thuê kho xây sẵn ở ngưỡng 4,62 USD/m2/tháng, tăng 0,2% so với cùng kỳ.
CBRE dự báo 3 năm tới, giá thuê đất công nghiệp sẽ tăng 4-8%/năm ở miền Bắc; giá thuê của nhà kho/nhà xưởng xây sẵn tăng từ 1- 4%/năm. Nhu cầu khả quan tới từ nhóm ngành điện tử, công nghiệp bán dẫn, ô tô và phụ tùng là động lực quan trọng cho sự phát triển của bất động sản công nghiệp khu vực này.
Đất công nghiệp Kim Động - Tam giác công nghiệp trọng điểm
Hình ảnh quy hoạch cụm công nghiệp Kim Động - Đặng Lễ - Chính Nghĩa
Trong bối cảnh tỷ lệ các khu công nghiệp được lấp đầy cao, các địa phương sở hữu nhiều quý đất mới đang là điểm hút đối với các nhà đầu tư. Trong đó, tỉnh Hưng Yên được nhận định là địa phương có “sức hút nóng” về công nghiệp.
Hiện nay, toàn tỉnh Hưng Yên có 17 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.300ha, trong đó có 11 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và thu hút thành công vốn đầu tư của các công ty lớn như: Mektec Manufacturing, Hoya Glassdisk, Canon…
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng đến 11% với các ngành chế biến thực phẩm, đồ gỗ, điện tử, điều khiển số máy tính là những ngành hấp dẫn nhất. Trong số các nước đầu tư vào tỉnh, Nhật Bản là nước đầu tư lớn nhất với 51% tổng vốn đăng ký. Tiếp theo là Hàn Quốc với 12%.
Địa phương này có lợi thế độc tôn, nằm ở trung tâm của các trung tâm công nghiệp như Bắc Ninh, Hải Dương và Hải Phòng, tiếp giáp các đường cao tốc, sân bay, thủ đô, một cảng biển lớn và hệ thống đường bộ hết sức thuận lợi. Với lợi thế là trung tâm kết nối, Hưng Yên có nhiều tiềm năng để trở thành ‘trung tâm sản xuất và tập kết kho hàng’ cho ngành công nghiệp hỗ trợ của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Hiện tỉnh đã ưu tiên dành quỹ đất để hình thành các khu công nghiệp quy mô lớn, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiện đại, với mục tiêu là "điểm đến" của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên sẽ có 30 khu công nghiệp (gồm 17 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và 13 khu công nghiệp tiềm năng quy hoạch mới), với tổng diện tích khoảng 9.589 ha.
Theo nhận định của ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch DTJ GROUP, Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, ngoài những lợi thế về trí địa lý, hạ tầng giao thông, tỉnh Hưng Yên còn có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như miễn giảm tiền thuê đất và hỗ trợ thủ tục hành chính, giúp các nhà đầu tư tiết kiệm chi phí.
Đặc biệt, Hưng Yên đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng điểm như công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, và sản xuất sạch để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển bền vững.
Ông Khánh cho biết thêm, vào thời điểm hiện tại, Hưng Yên đang đưa vào hoạt động một số khu và cụm công nghiệp có quy mô lớn như tổ hợp cụm công nghiệp Kim Động- Đặng lễ - Chính Nghĩa
Đây là dự án được phát triển bởi Hưng Yên Group, thành viên của Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), chủ đầu tư đã có kinh nghiệm phát triển 40 khu và cụm công nghiệp trên toàn quốc với tổng diện dịch hơn 25.000 ha đất công nghiệp.
Hệ thống hạ tầng công nghiệp của Hưng Yên Group phục vụ các dự án FDI công nghệ cao từ các tập đoàn hàng đầu thế giới như LG, Canon, Foxconn, Luxshare, Heesung, AAC, Goertek, Hosiden, OPPO, Panasonic, Wintex...
“Đây là thời điểm vàng dành cho các nhà đầu tư quan tâm tới đất công nghiệp khu vực này, giá hiện tại đang khá hấp dẫn, dao động trong khoảng 120- 135 USD/m2”, ông Khánh cho biết thêm.