Minco báo cáo doanh thu và lợi nhuận nửa đầu năm tăng trưởng lần lượt 42% và 35% so với cùng kỳ năm trước.
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt dự án giao thông lớn trên cả nước bị chậm tiến độ mà nguyên nhân được chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, lãnh đạo các tỉnh chỉ ra là do thiếu cát trầm trọng. Cầu lớn nhưng cung thiếu và hệ quả tất yếu là giá cát tăng mạnh.
Theo số liệu từ Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), giá cát trong 6 tháng đầu có xu hướng tăng. Giá cát tăng bình quân 1,52%/tháng, các tỉnh phía nam có xu hướng tăng mạnh hơn bình quân 3,4%/tháng.
Cục dự báo giá cát vẫn tiếp tục tăng trong quý III do các dự án giao thông trọng điểm đã được khởi công đồng loạt trên cả nước, như 10 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa, Vành đai 4 Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…
Bối cảnh thị trường thuận lợi đã giúp doanh nghiệp cát hiếm hoi trên sàn chứng khoán là Công ty cổ phần Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam (Minco, UPCoM: MIC) đạt kết quả kinh doanh khởi sắc.
Theo BCTC hợp nhất soát xét bán niên, Minco ghi nhận doanh thu 108 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10 tỷ đồng, lần lượt tăng 42% và 35% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu xuất khẩu cát trắng tuyển giảm mạnh từ 33,5 tỷ đồng xuống 18 tỷ đồng nhưng doanh thu nội địa hơn gấp đôi lên 67,3 tỷ đồng. Đồng thời, doanh thu hoạt động vận chuyển cát và dịch vụ khác cũng tăng từ 12 tỷ lên 22,6 tỷ đồng. Với hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp chủ yếu bán cho các khách hàng tại Đài Loan và Hàn Quốc.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu 161 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 24,3 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, Minco thực hiện được 67% chỉ tiêu doanh thu và 58% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tính đến cuối quý II, Minco có 164 tỷ đồng tổng tài sản, tập trung ở tài sản cố định (67 tỷ đồng) và khoản phải thu (50,3 tỷ đồng). So với đầu 2020, tổng tài sản tăng 73%. Về mặt nguồn vốn, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu tương đương nhau với 81 và 84 tỷ đồng. Nợ vay gần 28 tỷ đồng, chủ yếu vay ngắn hạn. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu chỉ 34,5%.
Kết quả kinh doanh của Minco không chỉ mới khởi sắc trong nửa đầu năm mà bắt đầu từ 2021. Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 2021 tăng 75% lên 79 tỷ đồng, lợi nhuận 4,2 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 206 triệu của 2020. Đến 2022, công ty lập kỷ lục doanh thu và lợi nhuận với lần lượt 150 tỷ đồng và 13,1 tỷ đồng. Nguyên nhân là nhờ tập trung vào mặt hàng chủ lực cát trắng chế biến, đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.
Năm 2021 cũng là thời điểm Tập đoàn Đầu tư Việt Phương tham gia vào Minco. Công ty xử lý xong khoản lỗ lũy kế của các năm trước để lại bằng thặng dư vốn cổ phần và quỹ đầu tư phát triển, từ đó giúp lành mạnh hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà tăng trưởng. Trong giai đoạn 2021 - 2022, công ty chi tổng cộng 50 tỷ đồng cho công tác đầu tư cải tiến công nghệ tăng năng suất giảm chi phí, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Mặc dù đã hoàn thành đầu tư máy móc, thiết bị nâng công suất lên 300.000 tấn/năm nhưng công ty chưa hoàn thành thủ tục nâng công suất mỏ. Do vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ ở mức cầm chừng, không hoạt động được hết công suất do hạn chế nguyên liệu đầu vào.
Năm nay, ban lãnh đạo tiếp tục cố gắng hoàn thiện các thủ tục pháp lý xin gia hạn giấy phép khai thác nước ngầm cho việc tuyển rửa cát trắng, xin phép nâng công suất khai thác và chế biến từ 180.000 tấn lên 300.000 tấn cũng như việc đóng cửa một phần mỏ cát Hương An đối với diện tích 42 ha. Đối với mỏ felspat Đại Lộc, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp Quyết định phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ theo Giấy phép số 994, công ty đang làm thủ tục xin gia hạn Giấy phép 995, sau khi được cấp phép sẽ khai thác lại tràng thạch.
Ngoài ra, công ty duy trì chủ trương chuyển cổ phiếu giao dịch trên UPCoM lên niêm yết trên HNX đã được cổ đông thông qua năm ngoái.