Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bổ sung nội dung giao đại lý thanh toán vào giấy phép hoạt động.
Tại Quyết định 719/QĐ-TTGSNH2 ngày 18/11/20224, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận bổ sung nội dung “Giao đại lý thanh toán theo quy định của Thống đốc NHNN Việt Nam” cho Ngân hàng MB. Quyết định do Quyền Thanh tra, giám sát ngân hàng Lại Hữu Phước ký ban hành và có hiệu lực từ ngày ký.
Nguồn: MB
Việc MB được chấp thuận bổ dung giấy phép thêm hoạt động giao đại lý thanh toán của MB diễn ra không lâu sau khi NHNN ban hành Thông tư quy định chi tiết về nội dung này.
Cụ thể, ngày 21/6/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 07/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động đại lý thanh toán. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Theo đó, Thông tư số 07/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động đại lý thanh toán bằng đồng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam. Nội dung hoạt động đại lý thanh toán quy định, bên giao đại lý được giao cho bên đại lý thực hiện một số nghiệp vụ sau: (i) Nhận hồ sơ mở tài khoản thanh toán, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng để gửi cho bên giao đại lý và hướng dẫn khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán; (ii) Nhận hồ sơ phát hành thẻ ngân hàng, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng để gửi cho bên giao đại lý và hướng dẫn khách hàng sử dụng thẻ ngân hàng; (iii) Tiếp nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ thanh toán của khách hàng, lập, ký, kiểm soát, xử lý chứng từ giao dịch của khách hàng, chuyển thông tin giao dịch của khách hàng cho bên giao đại lý, nhận tiền mặt từ khách hàng trả tiền mặt cho khách hàng…; (iv) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được yêu cầu cung cấp dịch vụ thanh toán của khách hàng thì bên đại lý xử lý chứng từ giao dịch của khách hàng và thực hiện chuyển thông tin giao dịch của khách hàng cho bên giao đại lý, trừ trường hợp xảy ra sự cố hệ thống thông tin và/hoặc các điều kiện bất khả kháng khác không thể thực hiện được giao dịch của khách hàng.
Thực tế, từ năm 2014 đến cuối năm 2023, NHNN đã cho phép thực hiện thí điểm một số mô hình dịch vụ thanh toán của Vietcombank và M_Service, MB và Viettel, PG Bank và Petrolimex (mô hình này dừng triển khai từ đầu năm 2023) để đưa dịch vụ thanh toán đến những địa bàn, những đối tượng người dân mà ngân hàng không thuận lợi trong việc tiếp cận và cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, các mô hình này được triển dưới hình thức thí điểm; đến cuối năm 2023, các mô hình này đã dừng triển khai do chưa có hành lang pháp lý.
Về bản chất, trong quá trình thí điểm, các mô hình dịch vụ thanh toán mà NHNN cho phép 03 NHTM phối hợp với các đối tác triển khai thí điểm là dịch vụ thanh toán của các NHTM (chuyển tiền, thu hộ, chi hộ qua tài khoản hoặc không qua tài khoản của khách hàng mở tại ngân hàng) được các NHTM ủy thác cho các đối tác không phải là ngân hàng trong một số khâu nghiệp vụ (tiếp nhận thông tin và yêu cầu dịch vụ từ khách hàng, thu nhận tiền mặt/chi trả tiền mặt cho khách hàng tại các địa điểm kinh doanh của các đối tác (nhân viên của cửa hàng, đại lý, điểm giao dịch của các đối tác trực tiếp thực hiện thao tác phục vụ khách hàng).
Các điểm giao dịch có thể thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức đối tác của NHTM hoặc do các tổ chức đối tác và/hoặc NHTM lựa chọn, phát triển từ các điểm kinh doanh không thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức đối tác. Trong các mô hình hợp tác này, các NHTM có trách nhiệm đảm bảo tính thanh khoản của dịch vụ và chịu hoàn toàn trách nhiệm về các rủi ro phát sinh trong quá trình triển khai thí điểm dịch vụ.
Về kinh nghiệm quốc tế, trong quá trình xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động đại lý thanh toán của NHNN, cơ quan soạn thảo cho biết, theo kết quả điều tra đối với 124 cơ quan quản lý tài chính, ngân hàng trung ương trên thế giới, có 105/124 cơ quan quản lý (85%) cho phép thực hiện hoạt động đại lý.
Trong đó, 81% cơ quan quản lý cho phép NHTM hợp đồng với đại lý bán lẻ làm kênh phân phối, 91% cho phép tổ chức phi ngân hàng hợp đồng với đại lý bán lẻ làm kênh phân phối. Hơn 60% các cơ quan quản lý cho phép các hợp tác xã tài chính (tương đương như Quỹ tín dụng nhân dân ở Việt Nam), các tổ chức nhận tiền gửi khác như tổ chức tài chính vi mô được phép triển khai hoạt động này.