Quy định ESG hiện nay của các quốc gia không nhất quán, có nguy cơ gây rủi ro đối với các doanh nghiệp yếu thế trên quy mô toàn cầu.
Kế hoạch IPO của Honor gắn chặt với nguyên tắc ESG (Ảnh: honor)
Môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đã trở thành chủ đề nóng trong những năm gần đây, với các tổ chức lớn và nhỏ tìm cách nâng cao uy tín về tính bền vững của mình thông qua các hoạt động kinh doanh mà họ buộc phải tuân thủ các tiêu chí liên quan đến ESG.
EGS trở thành nguyên tắc và ngày càng phổ biến, là yêu cầu bắt buộc với tất cả doanh nghiệp tham gia thị trường. ESG đã được thể chế hóa tầm quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Mới đây, một giám đốc điều hành cấp cao tại nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Honor đã nhấn mạnh mối liên hệ quan trọng giữa ESG và kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty.
Honor cũng cam kết rằng hoạt động của mình sẽ trung hòa carbon vào năm 2045. “ESG đã ăn sâu vào hoạt động của công ty ngay từ ngày đầu tiên”, ông Martin Xu, Phó Chủ tịch Honor, cho biết.
Nhà sản xuất điện thoại thông minh này đang tập trung vào một số lĩnh vực liên quan đến ESG, chẳng hạn như khả năng tiếp cận, bảo vệ môi trường và quản trị minh bạch.
Tuy nhiên, trong khi các cam kết liên quan đến ESG đang trở nên phổ biến trong thế giới kinh doanh, vẫn còn rất nhiều hoài nghi về việc liệu những mục tiêu lớn như vậy có thực sự đạt được hay không?
Định nghĩa về ESG thường khác nhau và khó xác định. Điều đó có thể gây đau đầu cho các doanh nghiệp muốn tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý và chính quyền.
Chưa hoàn toàn đồng nhất về các nguyên tắc ESG (Ảnh: EY)
Vào tháng 6/2022, Hiệp hội công nghiệp GSMA đã công bố “ESG Metrics for Mobile”- một báo cáo từ sự hợp tác với 20 nhà khai thác mạng di động và Đại học Yale (Mỹ). Báo cáo này nhằm mục đích thiết lập một chỉ số đo lường ESG dành riêng cho ngành công nghiệp này.
Ông Diederik Timmer, Phó Chủ tịch điều hành của Sustainalytics, công ty cung cấp xếp hạng và nghiên cứu ESG, cho biết: "Chúng tôi xem xét các mô hình kinh doanh của công ty và nơi họ hoạt động theo địa lý để đánh giá các yếu tố ESG mà họ phải tiếp xúc".
Nhiều doanh nghiệp quốc tế ủng hộ quan điểm các yếu tố ESG thay đổi tùy theo công ty và ngành. Ví dụ, một tổ chức tài chính có thể phải đối mặt với các mối quan tâm như môi trường hòa nhập tài chính. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều nhà phân tích trái phiếu chú ý đến các yếu tố ESG.
Conor Platt, người sáng lập Confluence Analytics, công ty tổng hợp dữ liệu ESG và tạo ra các số liệu hiệu suất dự đoán cho từng công ty và quỹ giao dịch trên sàn chứng khoán, cho rằng: “Bất cứ khi nào bạn sở hữu một cổ phiếu, bạn sẽ có hàng nghìn điểm dữ liệu. Và đối với các nhà đầu tư, các số liệu ESG là cách tốt nhất để đánh giá rủi ro tài sản vô hình”.
Marcio Silveira, Cố vấn tài chính của Toler Financial, đã phát hiện ra một số điểm không nhất quán, ví dụ: Rất nhiều yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến quyết định tập trung vào các yếu tố ESG. Hiện vẫn chưa có sự đồng thuận về các vấn đề có liên quan, thiếu sự thống nhất trong báo cáo về các vấn đề ESG. Xếp hạng thấp hơn không phải lúc nào cũng phản ánh được tiềm năng của một nhà quản lý quỹ trong việc tạo ra sự thay đổi thông qua hoạt động của cổ đông.
“Thị trường dữ liệu bị phân mảnh - khi bạn mua xếp hạng ESG, bạn không nhận được quan điểm đồng thuận mà là một quan điểm độc quyền”, ông Marcio Silveira nhận xét.
Như vậy, EGS có nguy cơ bị biến thành công cụ độc quyền trong tay các tổ chức lớn, hoặc các liên kết giữa nhiều doanh nghiệp có ảnh hưởng nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Và đây là nguy cơ có thật mà doanh nghiệp yếu thế hơn phải đối diện.
Trương Khắc Trà