Theo dữ liệu từ tập đoàn tài chính LSEG, khối lượng khí đốt tự nhiên chảy vào bảy nhà máy xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ đang trên đà đạt mức cao nhất trong 10 tháng.
Ảnh: OP
Sự gia tăng đột biến này một phần là do dòng chảy đến nhà máy Plaquemines của Venture Global LNG ở Louisiana khi công ty thử nghiệm thiết bị tại nhà máy. Plaquemines sẽ trở thành nhà máy xuất khẩu LNG lớn thứ tám của Mỹ sau khi bắt đầu khai thác, điều mà các nhà phân tích cho biết có thể đạt được bất cứ lúc nào.
Năm ngoái, Mỹ đã trở thành quốc gia xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, vượt qua Qatar và Úc.
Tuy nhiên, sản lượng khí đốt nói chung của Mỹ đã giảm trong năm nay. Tổng sản lượng khí đá phiến của nước này từ tháng 1 đến tháng 9/2024 đã giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 81,2 tỷ feet khối mỗi ngày (Bcf/d), trong khi sản lượng khí đốt tự nhiên khô khác của Mỹ tăng khoảng 6% lên 22,1 Bcf/d. Tổng sản lượng khí đốt tự nhiên khô của Mỹ từ tháng 1 đến tháng 9/2024 trung bình là 103,3 Bcf/ngày, về cơ bản không đổi so với cùng kỳ năm 2023.
Giá khí đốt tự nhiên thấp vào đầu năm đã thúc đẩy các nhà khai thác cắt giảm sản lượng, với mức giảm lớn được ghi nhận tại hai mỏ Haynesville và Utica. Từ tháng 1 đến tháng 9/ 2024, sản lượng khí đá phiến giảm 12% (1,8 Bcf/ngày) tại Haynesville và giảm 10% (0,6 Bcf/ngày) tại Utica so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, sản lượng khí đá phiến tại mỏ Permian tăng 10% (1,6 Bcf/ngày). Sản lượng tại mỏ Marcellus, nơi dẫn đầu sản lượng khí đá phiến của Mỹ, vẫn không đổi.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), chi phí khoan đắt đỏ tại các giếng Haynesville, ở độ sâu từ 10.500 feet đến 13.500 feet, phần lớn là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm sản lượng. Sản lượng khí đá phiến tự nhiên tại Haynesville đạt 13,0 Bcf/ngày vào tháng 9/2024, giảm 14% so với mức đỉnh điểm hồi tháng 5 năm 2023. Haynesville là mỏ khí đá phiến lớn thứ ba tại Mỹ, sau Marcellus và Permian.