Việc Công an TP.Hà Nội đang mở rộng điều tra đường dây chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng liên quan đối tượng Phó Đức Nam (còn được gọi là TikToker Mr Pips) một lần nữa cho thấy các chiêu trò lừa đảo vẫn luôn diễn ra.
Liên tục chào mời, "phím" lệnh mua bán
Thời gian gần đây, những cuộc gọi mời đầu tư chứng khoán nở rộ, hơn cả những cuộc gọi môi giới bất động sản hay bán bảo hiểm vốn đã bị nhiều người tẩy chay trước đây.
Chào mời đầu tư tài chính, chứng khoán, sàn ảo trái phép vẫn diễn ra liên tục. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tối thứ bảy vừa qua, chị Thanh Yến (ngụ Q.7, TP.HCM) chuẩn bị ăn cơm tối thì nhận được cuộc điện thoại từ số di động thông thường. Chị vừa bấm nhận nghe thì đã thấy một giọng nữ tự xưng là nhân viên môi giới một công ty chứng khoán thuộc top đầu về thị phần môi giới và mời chị tham gia mở tài khoản đầu tư. "Nội dung cũng như hằng hà cuộc gọi trước đó, nhưng lúc này vì tối thứ bảy nên tôi bực mình quá và nói luôn: Công ty chứng khoán nào làm việc tối thứ bảy mà em gọi chị? Thế là bên kia cúp điện thoại. Cái này thì mình nghi là mạo danh rồi", chị Thanh Yến chia sẻ.
Nhiều cá nhân khác cũng bị quấy rối bởi các cuộc gọi chào mời đầu tư tài chính, chứng khoán tương tự. Không chỉ gọi điện, thông qua Zalo hay Telegram, nhiều người được mời tham gia vào những nhóm riêng để tư vấn đầu tư tài chính nói chung (bao gồm đầu tư chứng khoán, vàng, thậm chí cả tiền số).
Chẳng hạn, nhóm "Siêu sóng VNI" trên Telegram với gần 1.500 thành viên chỉ chuyên tập trung vào chứng khoán trong nước. Nội dung trên nhóm tập trung vào việc chia sẻ những thông tin về các doanh nghiệp niêm yết; mỗi ngày có nhận định giao dịch của thị trường chứng khoán và phân tích về kỹ thuật. Nhưng nhóm sẽ có "thầy" để chia sẻ về tư duy đầu tư, phương pháp đầu tư, phân tích kỹ thuật thị trường…
Mới nhìn sẽ thấy đây chỉ là một nhóm chia sẻ, trao đổi kiến thức đầu tư chứng khoán thông thường, không "phím" hàng hay mã nào để kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, trao đổi với người viết, một chuyên gia đầu tư chứng khoán cho rằng tất cả các thông tin đưa ra trong nhóm này nói riêng hay các nhóm chat riêng đều được chọn lọc mang tính lạc quan. Từ đó kích thích để nhà đầu tư mua bán nhiều hơn. Thậm chí có những thời điểm quản trị nhóm đưa ra phân tích nhận định khi thị trường đi xuống hay khuyến nghị cắt lỗ cũng là cách tạo ra giao dịch.
Đây chính là kiểu lôi kéo tinh vi. Bởi cá nhân mở nhóm chat, càng đông nhà đầu tư tham gia và giao dịch càng nhiều thì cá nhân đó sẽ được hưởng hoa hồng càng nhiều. Đến thời điểm nào đó cũng sẽ xuất hiện tình trạng "phím" hàng theo dạng "khuyến nghị" mua hay bán một cổ phiếu nào đó và nhà đầu tư sẽ nghe theo. Khi có số đông làm theo sẽ là cơ sở cho các "đội lái" đánh úp nhà đầu tư. Đó là chưa kể một số nhóm chat dù thông thường sẽ bàn chuyện chứng khoán trong nước là hợp pháp, nhưng đến thời điểm nào đó cũng sẽ hướng một số nhà đầu tư qua các sàn chứng khoán quốc tế, tiền số bất hợp pháp.
Chuyên gia thị trường tài chính Phan Dũng Khánh chia sẻ, các chiêu trò lừa đảo tài chính lại bùng lên với hình thức tinh vi hơn dù bản chất thì vẫn thế. Kẻ lừa đảo hứa trả lợi nhuận cực cao, vài phần trăm đến vài chục phần trăm không phải 1 năm mà là 1 tháng, thậm chí trong… 1 tuần. Nội dung phổ biến của những cá nhân chào mời tham gia đầu tư vào các sàn là cam kết mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp, thậm chí không rủi ro và trả lãi ngay lập tức khi cá nhân đóng tiền. Thậm chí nhà đầu tư còn được hứa hẹn "mất em đền cho" nhưng thực tế chưa ai nhận được đền bù cả. Các sàn giao dịch sẽ liên tục đăng lên các mạng xã hội, các phần chat với nội dung nhiều người lời số tiền khủng (nhưng đều đã bị chỉnh sửa, kèm hình ảnh siêu xe, nhà biệt thự hoành tráng, chụp hình chung với người nổi tiếng)…
Trong khi đó, nhà đầu tư khi giao dịch trong thời gian đầu sẽ thắng lớn, nộp 1 mà lời 100, thậm chí tài khoản nhân lên cả chục ngàn lần. Các sàn có thể trả tiền lời bằng tiền thật, trả ngay tức khắc theo cam kết. Tuy nhiên số tiền được trả lại luôn dưới tổng tiền nộp vào. Ví dụ nộp 100 triệu đồng được hứa trả 10%/tháng thì bạn sẽ nhận được đúng khoản lãi này tới tháng thứ 7 mà thôi. Sau một thời gian thì lệnh của nhà đầu tư sẽ bị sửa trên hệ thống cho bạn thua để sàn ăn hết. Hoặc họ không cần sửa lệnh, nhưng đến khi số người nộp tiền đủ, nhiều sàn sẽ tự… biến mất. Có sàn còn nói là vỡ nợ hoặc bị bắt để nạn nhân sợ không đi kiện vì luật pháp vốn đã không cho phép.
Ngoài ra, một số nhóm có thêm chiêu trò đưa ra các tư vấn cao cấp hơn, thậm chí "chuyên gia" của sàn, để gỡ lại tiền thua cho nhà đầu tư. Cứ thế nhiều cá nhân nộp thêm tiền với tâm lý "thua là phải gỡ" nên số tiền mất đi cho các sàn ảo này ngày càng nhiều hơn so với ban đầu.
Xác lập "lằn ranh" thận trọng
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, hàng loạt chiêu trò lừa đảo vẫn luôn diễn ra hằng ngày, hằng tuần và bản chất không có gì khác với 10 hay 20 năm trước. "Ai cũng có lòng tham, nhưng những nạn nhân bị sập bẫy lừa là do không kiểm soát được lòng tham. Thậm chí có người luôn cẩn thận trong việc chi tiêu, quản lý tài sản nhưng cũng "khôn 3 năm dại 1 giờ" khi không chiến thắng được lòng tham nên bị rơi vào bẫy", ông Hiển đúc kết.
Theo ông Hiển, nghiên cứu ở nước ngoài đã chỉ ra "tâm lý hành vi" với đỉnh cao là thôi miên. Nhiều hoạt động cũng áp dụng nghiên cứu này như khuyến mãi, giảm giá…; còn có những cá nhân lại áp dụng vào hoạt động như lừa đảo. Từ đó họ tạo ra câu chuyện phù hợp trong từng thời điểm, hứa hẹn mức lợi nhuận đủ hấp dẫn, phải từ 50 - 80%/năm trở lên; tổ chức các hội thảo liên tục, lập nhóm trao đổi cá nhân riêng và cho nhiều cá nhân thành công kể chuyện từ việc tham gia đầu tư này. Hoặc ban đầu các cá nhân chỉ lôi kéo nhóm nhỏ trong số quen biết và từ từ mở rộng ra theo hình thức đa cấp. Bởi theo tâm lý con người, nói 1 lần chưa tin nhưng nói đến 5 hay 10 lần hoặc nhiều hơn thì sẽ tin theo.
Ông Hiển chỉ ra một số điểm có thể nhận thấy là dấu hiệu lừa đảo. Đó là không có cái gì đầu tư thụ động (không cần suy nghĩ) mà lợi nhuận thu về được hơn gấp đôi lãi suất ngân hàng. Song song đó, kêu gọi đầu tư hay mua cái gì mà không được pháp luật bảo vệ thì không nên tham gia.
"Nhà đầu tư nên tự đặt ra một lằn ranh đỏ cho mình. Nếu khi đã vượt qua lằn ranh đỏ đó thì dễ bị rủi ro, mất tiền và kể cả lừa đảo. Ví dụ, khi đầu tư chứng khoán hay bất động sản thì cũng phải tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ với nhiều công sức, thời gian. Thực tế cũng có một số ít người sẽ có mức lãi cao hơn nhiều lần gửi tiết kiệm ngân hàng, nhưng số này không nhiều. Còn chỉ thụ động không cần suy nghĩ mà có người chỉ cách làm giàu nhanh thì đa số chỉ là lừa đảo", chuyên gia Đinh Thế Hiển chia sẻ.
Đồng tình, ông Phan Dũng Khánh cũng cho rằng chiêu thức đánh vào lòng tham con người muôn đời vẫn lừa được những người thích giàu nhanh. Có lần tham dự hội thảo, ông giới thiệu một số phương pháp đầu tư an toàn với lợi nhuận tầm 20 - 30%/năm với độ chính xác theo thống kê lên tới 90% cho những nhà đầu tư tuân thủ nguyên tắc. Tuy vậy, một số nhà đầu tư nói rằng được người khác cam kết lợi nhuận là 10%/tuần nên lợi nhuận như ông nói thì không ổn… Lòng tham chính là điểm yếu mà giới lừa đảo tận dụng tối đa và luôn hiệu quả.
Nhà đầu tư cần phải tỉnh táo và nên nhớ bất kỳ hình thức đầu tư nào mà "cam kết" lợi nhuận lớn hơn gấp 3 lần lãi suất tiền gửi ngân hàng là có dấu hiệu lừa đảo, vì không có ai dám cam kết và đảm bảo được 100% thắng lợi trên thị trường.
Mai Phương