Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
LTG: CEO Lộc Trời: ‘Cần vài năm để vượt qua khó khăn’
Chuyên mục:

Doanh nghiệp

Nhà đầu tư | 06:51
Google news

Lãnh đạo Lộc Trời bày tỏ vấn đề của tập đoàn hiện nay là dòng tiền, tập đoàn cần tăng vốn để đảm bảo kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, công ty chưa bàn đến kế hoạch huy động vốn tại AGM năm nay và sẽ lấy ý kiến cổ đông sau.

Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Thòn chia sẻ tại AGM. Nguồn: LTG

Chiều ngày 26/6, Công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên (AGM) năm 2024 với sự tham gia của 46 cổ đông, đại diện gần 80% tổng cổ phần biểu quyết.

Kế hoạch lãi 50 tỷ đồng

Tại AGM, HĐQT đã trình mục tiêu lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, gấp 3 lần thực hiện năm trước và không đưa ra chỉ tiêu về doanh thu. Tuy nhiên, mục tiêu này thấp hơn rất nhiều so với con số mục tiêu 400 tỷ đồng đề ra cho giai đoạn 2021 – 2023.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc cho biết doanh thu năm nay dự kiến từ 20.000 tỷ đồng đến 24.000 tỷ đồng. Từ giờ đến cuối năm, công ty đã ký các hợp đồng xuất khẩu tương đương 400 triệu USD. Đầu vào gồm lúa, giống, thuốc, phân và diện tích trồng đã có.

“Dù đầu vào, đầu ra đã chuẩn bị sẵn nhưng ban lãnh đạo không đưa vào kế hoạch vì hiểu rằng điều cổ đông muốn nhất là cam kết lợi nhuận. Nhiều yếu tố bị xao lãng, khi điều hành khó biết ưu tiên điều nào”, ông Thuận bày tỏ.

Về lợi nhuận chỉ cam kết 50 tỷ, CEO Lộc Trời nói mô hình kinh doanh từ trồng lúa, thu mua lúa, bán gạo, bán phụ phẩm sau đó quay lại chăm lo cho bà con nông dân và phải đảm bảo các yếu tố về môi trường (giảm phân bón, giảm thuốc…), giảm phát thải, giảm chi phí. Như vậy, hoạt động của công ty dựa rất nhiều về vốn. Gặp sự cố về dòng tiền, công ty không đủ tiền mua lúa nên xoay dòng tiền bằng cách khác. Thêm nữa, lợi nhuận của Lộc Trời còn ảnh hưởng của yếu tố trích lập dự phòng, nếu có đủ tiền thì khoản trích lập quay lại thành lợi nhuận.

“Lộc Trời là công ty có tầm nhìn dài hạn, muốn chăm lo cho nông dân, bảo vệ môi trường. Nếu quý cổ đông nào thấy Lộc Trời là công ty đáng để kỳ vọng thì hãy ở lại. Sau khi chúng tôi có đủ tiền, tổ chức canh tác, giảm phát thải, giảm chi phí, bảo vệ môi trường, chăm lo sức khỏe thì tiếp tục với những phần cổ đông quan tâm như doanh thu, lợi nhuận, cổ tức, giá cổ phiếu. Còn bây giờ, Lộc Trời cần khoảng thời gian, dự kiến vài năm để vượt qua khó khăn”, CEO khẳng định.

Vì sao có phương án chia cổ tức cổ phiếu 2 năm liên tiếp?

Trong năm 2023, tập đoàn đạt doanh thu 16.088 tỷ đồng, tăng 38% so với 2022; song lãi sau thuế 16 tỷ đồng, giảm 96%. Lãnh đạo Lộc Trời chia sẻ năm qua là năm có nhiều khó khăn, thách thức mang tính bất định cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu gạo ví dụ như khó tiếp cận nguồn vốn vay, biến động tỷ giá, lãi suất ngân hàng tăng đột biến, giá lúa gạo trong nước biến động khó kiểm soát… Đỉnh điểm vào những tháng cuối năm trước, giá lúa thu mua từ nông dân có lúc lên đến 10.000 đồng/kg, tăng 30% so với bình quân năm, giai đoạn này lại trùng với lịch giao hàng của ngành lương thực. Bên cạnh đó, do liên tục 2 năm 2022 – 2023, tình hình dịch hại sâu bệnh ít nên ngành vật tư nông nghiệp kém khởi sắc, hàng hóa tồn đọng ở mức cao, tạo thêm gánh nặng về chi phí tài chính.

Cổ đông biểu quyết tại AGM. Nguồn: LTG

Tại AGM năm trước, cổ đông đã duyệt phương án chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 30% cho năm 2023 chi trả trong 2024. Tuy nhiên, năm nay, HĐQT trình đổi phương án thành cổ phiếu tỷ lệ 30%, vốn tăng lên 1.310 tỷ đồng. Mặt khác, công ty sẽ duy trì phương án này cho 2 năm tiếp theo là 2024 và 2025.

Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn đã có lý giải cho việc cam kết trả cổ tức cổ phiếu 2 năm. Đó là Lộc Trời có khoản vay 90 triệu USD với Ngân hàng FMO (Hà Lan), đối tác đánh giá cao tập đoàn về lĩnh vực nông nghiệp, có tương lai phát triển, về chiến lược, mô hình khả thi. FMO yêu cầu Lộc Trời làm kế hoạch 2 năm và cam kết trả cổ tức cổ phiếu.

Việc chậm nhận khoản vay là do vấn đề thủ tục và rơi vào các sự kiện. Điều này ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh của tập đoàn, tăng các khoản vay ngắn hạn, chi phí từ lãi vay tăng cao. Ông Thòn khẳng định khoản vay của FMO chắn chắn sẽ được giải ngân, khi có tiền, Lộc Trời mới giải được bài toán kinh doanh về dòng tiền.

“Ngoài ra, vấn đề vốn của Nhà nước vừa có thuận lợi vừa có khó khăn là Lộc Trời không thể tăng vốn được. Do vướng cơ chế không được pha loãng vốn sở hữu của Nhà nước tại Lộc Trời. Với yêu cầu và quy mô trong kế hoạch kinh doanh, tập đoàn cần vốn từ 1.000 đến 2.000 tỷ đồng”, ông Thòn giải thích thêm.

Liên quan đến vấn đề niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Chủ tịch HĐQT chia sẻ hồ sơ phải chuẩn bị rất công phu, đảm bảo tất cả yêu cầu trên thị trường chứng khoán. “Chúng tôi xin làm rõ là quyết tâm bắt đầu từ 2024 tiến hành chứ không phải hoàn thành trong năm 2024”.

Chưa bàn các kế hoạch huy động vốn

Tại AGM, HĐQT trình 3 tờ trình huy động vốn gồm phát hành cổ phiếu riêng lẻ 1.000 tỷ đồng, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ 3.500 tỷ đồng và vay chuyển đổi cổ phần 3.500 tỷ đồng. Ông Thuận cho biết Lộc Trời cần 8.000 – 9.000 tỷ để đạt được doanh thu dự kiến. Công ty cần cấu trúc thành vốn trung dài hạn (3.500 tỷ đồng) để tăng năng lực sản xuất lúa gạo cho nhà máy Lộc Trời và Lộc Nhân, hơn 1.000 tỷ vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh.

Theo ông Thuận, kinh doanh lúa gạo, phụ phẩm có lời, Lộc Trời chỉ cần có tiền thì hệ thống sẽ hoạt động hiệu quả. Nguyên nhân là do không có tiền để vận hành chứ không phải là sản phẩm không có lời. Tập đoàn vay cho chính mình thì lãi suất cao nhưng cho nông dân vay không thu lãi. Lộc Trời muốn đưa nông dân vào hệ thống thanh toán của ngân hàng để truy suất nguồn gốc thì phải bỏ vốn ra. Khi quy trình đã chuẩn chỉnh, chi phí sẽ giảm xuống.

Ông Thòn cũng cho biết tăng vốn công ty mới có thể thực hiện phương án kinh doanh. Còn 2 phương án chuyển đổi là để giải quyết nguồn vốn, rất ảnh hưởng đến lợi nhuận Lộc Trời (đây là phương án chữa cháy mặc dù doanh nghiệp phải gánh chịu chi phí cao).

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc lại, ban lãnh đạo Lộc Trời chốt lại không cần bàn kế hoạch huy động vốn trong AGM và sẽ lấy ý kiến của cổ đông bằng văn bản sau.

Cuối cùng, đại hội tiến hành bầu cử, ra mắt Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024 - 2029. HĐQT nhiệm kỳ 2024 - 2029 với 5 thành viên gồm ông Huỳnh Văn Thòn (Chủ tịch), ông Johan Sven Richard Boden, ông Mandrawa Winston Leo, ông Võ Trí Thành và bà Vũ Hồng Trang

Về BKS nhiệm kỳ 2024 - 2029, cổ đông đã bỏ phiếu bầu ra 3 thành viên gồm bà Nguyễn Thị Thúy, ông Tiêu Phước Thạnh và ông Uday Krishna.

Mỹ Hà-Link gốc

Thị trường đóng cửa
AGM
Thị trường đóng cửa
LTG
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục
Cỡ chữ
NhỏLớn