Với sự xuất hiện của giới chủ VIB, Chứng khoán Kafi đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc như nâng vốn điều lệ lên 2.500 tỷ đồng hay tăng tổng tài sản lên hơn 80 lần.
Chứng khoán Kafi ghi nhận thành tích kinh doanh ấn tượng và tốc độ phát triển vượt bậc. Ảnh Kafi
Vừa qua, trong khuôn khổ giải thưởng Asia Pacific Enterprise Awards (2024), CTCP Chứng khoán Kafi đã nhận giải "Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh" (Fast Enterprise Award).
Để nhận được giải thưởng này, Kafi đã đáp ứng một loạt các tiêu chí quan trọng của Ban tổ chức như: Có năng lực đổi mới, vận hành và thích ứng nhanh chóng; có tốc độ tăng trưởng doanh thu, khách hàng, độ bao phủ, lượng người dùng, lượt truy cập… vượt bậc; có các ứng dụng công nghệ, đổi mới; có thành tích kinh doanh ấn tượng, mang lại giá trị tốt và có đóng góp hiệu quả cho cộng đồng, xã hội.
Thành quả trên là minh chứng cho sự tăng trưởng vượt bậc của Kafi, sau hơn 2 năm tái cấu trúc và định vị thương hiệu, dưới sự hỗ trợ của giới chủ VIB.
CTCP Chứng khoán Kafi (tên cũ là Globalmind Capital) thành lập từ năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng. Từ khi thành lập, công ty thường xuyên kinh doanh thua lỗ và sức ảnh hưởng trên thị trường rất mờ nhạt.
Cuối năm 2021, công ty ghi nhận những chuyển động đáng kể trong cơ cấu cổ đông khi ông Huỳnh Đăng Khoa và Lê Minh Quang đã bán ra tổng cộng 14,73 triệu cổ phần, tương đương 95,04% vốn điều lệ; ngược lại Uniben đã mua vào 3,48 triệu cổ phần, trở thành cổ đông lớn của Chứng khoán Kafi với tỉ lệ sở hữu 22,5% vốn điều lệ.
Như Nhadautu.vn đã từng đề cập, CTCP Uniben tiền thân là Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Việt Hưng, thành lập năm 1992 và nổi danh với thương hiệu Mì 3 Miền. Đến tháng 9/2014, công ty chính thức đổi tên thành Uniben như hiện tại. Uniben là pháp nhân có nhiều liên hệ tới nhóm chủ Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (UpCom: VIB).
Tháng 7/2022, Chứng khoán Globalmind Capital đã thực hiện chào bán 134,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán là 10.000 đồng/CP. Kết quả cho thấy có 84,5 triệu cổ phiếu được phân phối, tương ứng 62,83% tổng số cổ phiếu chào bán. Tổng số tiền thu về là 845 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán tăng từ 155 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.
Theo danh sách 31 nhà đầu tư thực hiện mua, CTCP Uniben đã mua vào hơn 19 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 22,5%. Còn ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB gom 4,1 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ cổ phần nắm giữ lên 4,86%. Bên cạnh đó, hai cá nhân là ông Đặng Khắc Cường và ông Đặng Khắc Mạnh đã mua vào lần lượt 6,3 triệu và 4,4 triệu cổ phiếu để chính thức làm cổ đông của Globalmind Capital với tỷ lệ là 6,34% và 4,43% vốn điều lệ. Ngoài ra, Gentle Sun Investment Limited cũng đã mua hơn 13,9 triệu cổ phiếu, tương ứng 13,94% vốn.
Với sự xuất hiện của giới chủ VIB, Globalmind Capital đã đổi tên thành chứng khoán Kafi vào tháng 8/2022, đồng thời liên tục thực hiện các đợt chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, tháng 7/2023, Kafi chào bán 50 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng. Đến tháng 4/2024, công ty này tiếp tục chào bán 100 triệu cổ phiếu, trong đó nhà đầu tư trong nước mua 83,5 triệu cổ phiếu còn nhà đầu tư nước ngoài được phân phối 16,5 triệu cổ phiếu.
Sau các đợt phát hành này, hiện vốn điều lệ của Kafi đạt 2.500 tỷ đồng. Theo báo cáo quản trị nửa đầu năm 2024, Uniben nắm 16,56% vốn Kafi, còn Gentle Sun Investment Limited nắm 16,5%.
Vào tháng 10 vừa qua, công ty này đã công bố Nghị quyết về việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ từ 2.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, thông qua chào bán 250 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Thời gian thực hiện dự kiến trước tháng 6/2025.
Cùng với sự "nới" mạnh về quy mô vốn điều lệ, bức tranh kinh doanh của Kafi từ khi về với chủ mới đã thoát lỗ lũy kế và có những điểm sáng đáng chú ý.
Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của Kafi đạt 12.794 tỷ đồng, tăng hơn 80 lần so với thời điểm cuối năm 2021. Trong đó, cho vay margin 4.663 tỷ đồng; các tài sản tài sản chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) ở mức 7.474 tỷ đồng, phần lớn là giấy tờ có giá và tiền gửi có kỳ hạn tại BIDV (2.741 tỷ đồng) và VIB (1.363 tỷ đồng). Ngoài ra đến cuối quý III/2024, Kafi còn đầu tư gần 360 tỷ đồng vào cổ phiếu VIB.
Trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu từ nghiệp vụ môi giới cũng cải thiện với 60,4 tỷ đồng, cao gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước và gấp 11 lần so với năm 2022. Kết quả, chứng khoán Kafi báo lãi trước thuế 160 tỷ đồng, còn lãi sau thuế 117 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2024, công ty này đề ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 300 tỷ đồng, như vậy, sau 9 tháng Kafi đã hoàn thành 53% mục tiêu lợi nhuận đề ra.