Lilama dự kiến sẽ hoàn thành, gia công chế tạo, tổ hợp, thử nghiệm và bàn giao sản phẩm 27 module sản xuất hydro xanh cho tổng thầu và chủ đầu tư hoàn thiện vào cuối năm 2025.
Tổng công ty Lilama khởi công lắp đặt tổ hợp 27 module cho Dự án H2Gs (Stegra). Ảnh: Lilama
Tổng công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP (Lilama) vừa chính thức khởi công lắp đặt tổ hợp 27 module cho Dự án H2Gs (Stegra) tại Nhà máy Cơ khí chế tạo Lilama 69-3, xã Quang Phục, thị trấn Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
Đây là khởi động bước tiếp theo trong chuỗi thi công gia công chế tạo tổ hợp 27 module sản xuất hydro xanh cho dự án H2Gs, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của dự án. Trước đó, từ cuối tháng 7/2024, Lilama đã triển khai chế tạo tổ hợp 27 mô đun này.
Lilama dự kiến sẽ hoàn thành, gia công chế tạo, tổ hợp, thử nghiệm và bàn giao sản phẩm cho tổng thầu và chủ đầu tư hoàn thiện vào cuối năm 2025. Sản phẩm sẽ được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế và xuất khẩu đến thị trường châu Âu - Thụy Điển (CE marking), tuân thủ hệ thống tiêu chuẩn EN 1090-2, ISO 3834-2, PED, ASME B31.3.
Tổng thầu dự án này là Thyssenkrupp Nucera cũng đã trao chứng nhận 3 triệu giờ làm việc an toàn cho Đội thi công số 2 thuộc Lilama - đơn vị được Tổng công ty giao nhiệm vụ thực hiện công việc gia công chế tạo, tổ hợp hệ thống thiết bị điện phân hydrogen xanh trước đó.
Đây cũng là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự nỗ lực và trách nhiệm của cán bộ, kỹ sư và công nhân Lilama trong việc đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn cho dự án.
Dự án H2Gs Hydrogreen steel project - một dự án chiến lược toàn cầu trong chuỗi dự án hydro xanh, hướng tới mục tiêu giảm thiểu phát thải CO2 trong ngành thép. Dự án H2Gs đã được đổi tên thành Stegra vào tháng 9/2024 cho thấy mục tiêu dài hạn trong việc nâng cao và phát triển bền vững ngành công nghiệp thép.
Tên mới “Stegra” xuất phát từ tiếng Thụy Điển, có nghĩa là “nâng cao”, thể hiện tinh thần vượt qua thử thách và không ngừng tiến lên.
Stegra sẽ tiếp tục tập trung vào 3 nền tảng chính: sản xuất hydro xanh, sắt xanh và thép xanh nhằm giảm thiểu phát thải CO2 trong quá trình sản xuất thép. Dự án này đã nhận được sự hỗ trợ tài chính đáng kể từ các chương trình hỗ trợ công nghiệp của Thụy Điển và Liên minh châu Âu.
Phía Lilama cam kết thi công một cách an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Từ cuối năm 2023 đến nay, Lilama đã ký hợp đồng sản xuất thêm hàng chục mô đun nữa. Điều này góp phần khẳng định vị thế của Lilama trong chuỗi cung cấp năng lượng xanh toàn cầu.
Lilama là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới tham gia vào chuỗi cung cấp dây chuyền sản xuất hydro xanh toàn cầu, góp phần thực hiện các mục tiêu Net Zero phát thải.
Đây cũng là một trong những bước đi thành công trong chiến lược chuyển đổi định hướng kinh doanh của Lilama theo xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, hướng đến các nguồn năng lượng xanh và bền vững, không phát thải CO2.