Thông tư 68 là giải pháp kỹ thuật xử lý vấn đề Prefunding cho khối ngoại. Tuy nhiên cơ chế CCP (mô hình thanh toán, bù trừ) mới là yếu tố căn cơ để giải quyết vấn đề này.
Vào đầu tháng 11, Thông tư 68 giải quyết "nút thắt" về yêu cầu ký quỹ 100% với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chính thức có hiệu lực. Thông tư cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua và đến ngày T+2 mới phải thanh toán, hạn chế rủi ro cho chính họ.
Theo các chuyên gia, Thông tư 68 là một trong những thông tư quan trọng giúp Việt Nam đạt được các tiêu chí để nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) từ cận biên lên mới nổi.
Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025, bà Tạ Thanh Bình, Tổng giám đốc Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho biết FTSE nhấn mạnh vấn đề No-Prefunding là giải pháp quan trọng để nâng hạng thị trường chứng khoán. Ngay lập tức, cơ quan quản lý đã làm việc để tìm giải pháp tháo gỡ và mới đây Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68 hiệu lực đầu tháng 11 nhằm tháo gỡ vướng mắc.
Lãnh đạo VSDC thông tin theo quan sát sau 4 ngày đầu triển khai No-Prefunding theo Thông tư 68, thống kê từ một ngân hàng lưu ký lớn cho thấy tỷ lệ áp dụng đã đạt 60%, đây là tỷ lệ lớn. Đến hiện tại, về cơ bản cơ chế No-Prefunding được đánh giá an toàn, chưa có bất cứ rủi ro nào xảy ra. Cơ quan quản lý kỳ vọng 5 tháng (từ nay đến tháng 3/2025) là khoảng thời gian để nhà đầu tư nước ngoài trải nghiệm giải pháp của Việt Nam. Đến tháng 9, FTSE mới công bố kết quả review và lãnh đạo VSDC kỳ vọng sẽ có những góc nhìn tích cực từ tháng 3/2025.
Tuy nhiên, Thông tư 68 ra đời là giải pháp tháo gỡ mang tính kỹ thuật, còn cơ chế CCP (mô hình thanh toán, bù trừ) mới là yếu tố căn cơ để giải quyết. Vấn đề này đã được đưa ra năm 2021 cho đến lần sửa đổi Luật Chứng khoán lần này, VSDC đề xuất thành lập công ty con để triển khai CCP.
“Thời điểm hiện nay sẽ giải quyết vấn đề kỹ thuật. Sau đó chúng ta sẽ giải quyết những căn cơ hơn. Nâng hạng hay không nâng hạng thì chúng ta vẫn đảm bảo việc giao dịch và thanh toán theo đúng thông lệ và cách thức như các thị trường của thế giới thực hiện”, bà Bình cho biết.
Tổng Giám đốc VSDC phát biểu. Nguồn: Vietnambiz
Bên cạnh đó, một câu chuyện nữa là việc công bố thông tin bằng tiếng Anh. Cơ quan quản lý đang làm việc tích cực với các doanh nghiệp niêm yết để triển khai quy định mới này, bắt đầu từ 2025. Các doanh nghiệp lớn sẽ bắt buộc thực hiện trước. Còn về bản thân các sở giao dịch, VSDC cũng phải thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh. Vấn đề này không phức tạp như Prefunding nhưng nó cũng được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao về khía cạnh nâng cao tính minh bạch của thị trường.
Trong Luật Chứng khoán sửa đổi lần này, một vấn đề đáng quan tâm nữa là việc luật hóa hành vi "thao túng chứng khoán là hành vi bị cấm trên thị trường". Điều này giúp nâng cao tính kỷ cương trên thị trường lên một tầm mới, cũng được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao và cũng giúp cơ quan quản lý xử lý vi phạm hiệu quả hơn.
Theo CEO VSDC, qua quan sát, làm việc với một số tổ chức nước ngoài, cơ quan quản lý nhận định họ cũng rất mong chờ thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được đánh giá đúng với vị thế và chất lượng thị trường hiện nay. “Các tổ chức như MSCI, FTSE đều đang đánh giá TTCK Việt Nam đang chơi ở một sân chơi nhỏ hẹp hơn so với hạng cân của chúng ta”, bà Bình nói.
MỸ HÀ