Sau khoảng 20 năm gián đoạn, Liên hoan Sân khấu TP Hồ Chí Minh sắp được tổ chức với kỳ vọng sẽ có nhiều đột phá nhằm hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và, liên hoan lần này cũng đặt tầm ngắm vào việc làm khởi sắc lại đời sống sân khấu TP Hồ Chí Minh, một nơi từng có hoạt động sôi nổi nhất cả nước cách đây khoảng 20 năm.
Sự háo hức của các đoàn, các nhà hát tham gia liên hoan lần này cho thấy tính nghiêm túc thật sự và niềm tin cũng như hy vọng của giới nghệ sĩ sân khấu phía Nam dành cho một hoạt động mà họ mong đợi từ rất lâu. Tuy nhiên, để tổ chức liên hoan thành công và tưng bừng thì dễ, để một đời sống sân khấu nối tiếp sau đó được bền bỉ mới là chuyện khó và đó không phải là thách thức duy nhất của Liên hoan Sân khấu TP Hồ Chí Minh mà còn của nhiều liên hoan nghệ thuật khác nữa trên khắp cả nước. Thách thức ấy cũng không phải là trách nhiệm duy nhất của những nhà tổ chức liên hoan hay của ngành văn hóa nói riêng mà còn liên quan tới nhiều ngành nghề khác trong cả hệ thống.
Cùng thời gian với Liên hoan Sân khấu TP Hồ Chí Minh và Liên hoan Cải lương toàn quốc cũng mới diễn ra ở Cần Thơ, trước đó là Liên hoan các ban nhạc nhẹ. Tất cả những liên hoan này đều thuộc diện liên hoan truyền thống, tức là đã có lịch sử từ nhiều thập niên trước và thậm chí có những liên hoan còn diễn ra một cách rất thường xuyên. Song, đằng sau mỗi liên hoan đều là sự im lặng kéo dài bởi đời sống sân khấu hôm nay quả thực khá là èo uột.
Để dựng một vở diễn, một đoàn nghệ thuật, một nhà hát cần đầu tư nhiều tiền bạc, công sức và chất xám. Một vở diễn được thành hình, kỳ vọng đi kèm luôn là bao nhiêu suất diễn sau đó và nó có đủ để nuôi sống nghệ sĩ trong một giai đoạn hay không. Thế nhưng, có không ít vở diễn, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương..., đã lập tức bị “cất kho” ngay sau khi trình diễn ở liên hoan trên tinh thần dự thi. Đây chính là một dạng lãng phí rất lớn, khi mà cách khai thác “đầu ra” vẫn chưa được những người có trách nhiệm tham gia triệt để. Gần như sự sống còn của vở diễn được phó mặc cho đoàn nghệ thuật hoặc nhà hát đã khai sinh ra nó mà thôi. Các cấp quản lý cao hơn chưa xem đó chính là tài sản thuộc địa phương mình, thuộc ngành của mình để từ đó mở ra một hành lang nhằm khai thác tối ưu nhất những chất xám và tiền bạc đã được bỏ ra nhằm xây dựng vở.
Một ví dụ tích cực mà chúng ta nên nhìn nhận chính là hoạt động của Nhà hát Đó ở Nha Trang. Công trình biểu tượng này được xây lên không chỉ để có một điểm thắng cảnh (check-in) tại địa phương mà thực sự nó đang sống với những vở diễn được đặt hàng bởi các đoàn chuyên nghiệp ăn khách như “À Ố”, “Làng tôi”. Chính những nội dung xuất sắc như thế đã thu hút du khách trong và ngoài nước chọn một đêm trình diễn của Nhà hát Đó như một hạng mục phải có khi họ tới Nha Trang. Rõ ràng, địa phương đã quan tâm thực sự tới chất văn hóa trong tổng thể các sản phẩm du lịch và từ đấy, họ đã không lãng phí khi đầu tư vào văn hóa.
Bắc Ninh có thể trở thành điểm du lịch văn hóa với quan họ hay không? Thái Bình, Nam Định có thể đưa chèo vào sản phẩm du lịch tổng thể hay không? Tương tự là các câu hỏi cho tuồng, cho đờn ca tài tử, cho cải lương v.v... và v.v... Không nhất thiết phải là một vở diễn kéo dài mà nhiều khi chỉ cần các tiết mục giải trí cho du khách với tiêu chí giới thiệu đặc trưng bản địa thôi cũng đã là đủ rồi. Chỉ tiếc, cả một tài nguyên lớn như thế vẫn chưa được chúng ta khai thác hiệu quả nhất. Như vậy, có thể nói, trong tổ chức hoạt động văn hóa, lãng phí vẫn còn lớn lắm.
Văn Đoàn