Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã đạt được tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Các doanh nghiệp đang đóng vai trò quan trọng để dẫn dắt đất nước bước vào giai đoạn mới, kỷ nguyên vươn mình.
Tăng trưởng ấn tượng
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2024, Việt Nam đang có 73.788 doanh nghiệp công nghệ số, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Hiện nước ta thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/đầu dân cao nhất trong các nước đang phát triển. Tổng hợp từ các số liệu, năm 2024 vừa qua, doanh thu ngành công nghiệp công nghệ số đạt giá trị gần 158 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2023.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ đã công bố kết quả kinh doanh trong năm 2024, không ít doanh nghiệp đã công bố những điểm sáng tích cực về lợi nhuận. Đơn cử như FPT, một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam - năm qua tiếp tục tăng trưởng 2 con số. Cả 2024, doanh thu của FPT đạt 62.849 tỉ đồng, tăng gần 20% so với năm trước, còn lợi nhuận sau thuế đạt 9.420 tỉ đồng, tăng 21%. Bức tranh kết quả kinh doanh cho thấy, tăng trưởng mạnh mẽ của FPT đến từ khối công nghệ với việc đóng góp lớn nhất vào kết quả kinh doanh trong năm qua khi đạt 39.110 tỷ đồng doanh thu (chiếm 62%) và 5.229 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (chiếm 47%), lần lượt tăng trưởng 24,4% và 25,7% so với cùng kỳ 2023.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển ấn tượng
Vào năm ngoái, một doanh nghiệp khác là Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel cho biết đạt doanh thu hợp nhất 190.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 51.000 tỷ đồng, lần lượt vượt 3% và 11% kế hoạch. Với kết quả này, doanh thu năm 2024 của Viettel tăng trưởng 11,3% so với năm 2023, trong khi lợi nhuận tăng 10,3%. Bên cạnh tăng trưởng nhờ mảng truyền thống viễn thông trong nước thì động lực phát triển mới của Viettel hiện đến từ kinh doanh quốc tế, nghiên cứu, sản xuất thành công và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao, phát triển lĩnh vực logistics, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ số.
CMC cũng là một doanh nghiệp công nghệ ghi nhận sự tăng trưởng, dự kiến doanh thu cả năm tài chính 2024 tập đoàn này sẽ đạt 9.231 tỷ đồng, tăng trưởng 14,6%, lợi nhuận đạt 550 tỷ đồng. Được biết, tăng trưởng của CMC cũng đến từ đầu tư vào công ty con và công ty liên kết trong các khối giải pháp công nghệ và hạ tầng số. Trong kế hoạch 5 năm (2024-2028), CMC đặt mục tiêu nâng mức doanh thu lên 1 tỷ USD, tập đoàn này đang có ý định đầu tư 500 triệu USD nhằm mở rộng mạng lưới trung tâm dữ liệu và hạ tầng công nghệ tại Việt Nam, và các thị trường quốc tế khác như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu trong 5 năm tới.
Bên cạnh các doanh nghiệp đầu tàu nêu trên, một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn cũng đều ghi nhận có lãi như: CTCP Công Nghệ - Viễn Thông Elcom (lãi 101 tỷ đồng tăng 20% so với cùng kỳ), CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn Saigontel (lãi 103,62 tỷ đồng trong quý IV, lũy kế năm 2024 lãi 131,44 tỷ đồng, tăng 207% so với cùng kỳ)...
Như vậy, có thể thấy các doanh nghiệp công nghệ ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp đang trở thành động lực mới để thúc đẩy nền kinh tế đất nước tăng trưởng.
Giao việc lớn cho các doanh nghiệp công nghệ
Đất nước đang nỗ lực bước vào “kỷ nguyên vươn mình”, trước mắt trong năm 2025, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, hướng tới trên 10%, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (ông mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, đất nước cần tìm các động lực tăng trưởng mới. Và động lực đó không gì khác khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Để làm được điều này, theo các chuyên gia, Việt Nam cần sự tiên phong và đặt nhiều kỳ vọng cho các doanh nghiệp lớn. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ, muốn có doanh nghiệp lớn, Nhà nước cần giao việc lớn, đặt hàng, giao nhiệm vụ, bởi "có việc lớn, doanh nghiệp mới lớn". Ông cũng nhấn mạnh, đây là trách nhiệm của doanh nghiệp lớn đối với đất nước, cũng là nhiệm vụ mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị giao các doanh nghiệp công nghệ dân tộc, với mục tiêu hình thành doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam.
Doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng dẫn dắt đất nước tăng trưởng
Nghị quyết 57 đặt mục tiêu năm 2025 hình thành 5 tập đoàn công nghệ số lớn ngang tầm các nước tiên tiến. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới. Đây được coi là cuộc cách mạng toàn diện trên mọi lĩnh vực, đòi hỏi triển khai quyết liệt, đồng bộ, kiên trì với những giải pháp đột phá, lâu dài. Để làm được điều này, người dân và doanh nghiệp phải là trung tâm, nhà khoa học là nhân tố then chốt.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là nghị quyết quan trọng với nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm thể chế hóa, sớm đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống.
Được biết, Nghị quyết của Quốc hội đã tạo nhiều thuận lợi và ưu đãi đối với doanh nghiệp và những người làm khoa học, công nghệ. Ví dụ như, tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức đó sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng.
Trong nội dung Nghị quyết, Quốc hội cũng dành ưu tiên cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo cơ chế quỹ thông qua các quỹ khoa học và công nghệ; ưu đãi thuế cho doanh nghiệp và cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ. Các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước là các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân…
Có thể thấy, những quyết sách của Đảng, Nhà nước thực sự tạo những điều kiện tốt nhất để nhằm đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách cũng kỳ vọng doanh nghiệp công nghệ trở thành động lực mới, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên vào năm 2025 và tăng trưởng kinh tế đạt hai con số trong các năm tiếp theo.