Với kinh nghiệm điều hành giá hàng hóa và dịch vụ của Chính phủ, cùng với thực tiễn một vài năm trở lại đây, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, dù mức lương tăng nhưng không quá lo về tăng giá tâm lý và mục tiêu lạm phát 4-4,5% trong năm 2024 là hoàn toàn khả thi.
Từ ngày 01/7/2024, lương cơ sở chính thức tăng lên 30% và điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu - mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
Theo thống kê, trong 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã có 14 lần tăng mức lương cơ sở, trong đó có 2 lần tăng lương cơ sở đi cùng với tăng lạm phát.
Cụ thể, năm 2008 khi tăng lương cơ sở 20%, lạm phát cũng tăng từ 6,3% lên 23% và năm 2011 khi tăng lương cơ sở 13,7%, lạm phát cũng đã tăng từ 9,2% lên 18,6%.
Điều này dẫn tới lo ngại, tăng lương lần này sẽ kéo theo tình trạng tăng giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, ảnh hưởng tới mục tiêu lạm phát 4-4,5% trong năm 2024.
Chia sẻ với lo ngại trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ đã có đánh giá trên các chỉ số, khả năng CPI tăng khoảng 0,7%, trong khi đó GDP tăng trưởng có thể đóng góp thêm 0,21% trong năm 2024.
"CPI tăng chủ yếu là tâm lý, còn nhu cầu do tăng lương cũng có nhưng không cao. Đáng lưu ý, cung cầu hàng hóa được đáp ứng đầy đủ, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, câu chuyện tăng giá khi tăng lương, thậm chí tăng giá khi mới có chủ trương tăng lương chỉ thực sự đáng lo trong bối cảnh hơn 10 năm trước đây khi thị trường chủ yếu ở dạng tự phát, tự do.
Còn trong nhiều năm trở lại đây, Chính phủ cũng như bản thân người dân và thị trường đã thích ứng nên không bị tác động nhiều, thực tế đã nhiều lần tăng lương gần đây cũng không dẫn tới tăng giá.
Cần lưu ý rằng, hiện hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại đang phát triển mạnh mẽ, nhiều cửa hàng tạp hóa hiện đại cũng chuyển mình. Đây là những nơi có thể quản lý được giá cả.
"Cộng thêm các đợt giảm giá, khuyến mại mạnh mẽ đang được tổ chức tại TP. HCM và đầu tháng 7/2024 sẽ diễn ra ở Hà Nội, cùng với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc sẽ là giảm tác động tăng giá do tâm lý, ông Lâm nói.
Mục tiêu kiểm soát lạm phát 4-4,5% năm 2024 "hoàn toàn khả thi"
Số liệu thống kê kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy con số tăng trưởng kinh tế quý II/2024 là đáng mừng (ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước), GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%. Tuy nhiên, kéo theo đó cũng là con số CPI đáng lo.
Cụ thể, CPI bình quân quý II/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08%. Thống kê cho thấy, CPI đang tăng nhanh hơn trong quý II, có thể vượt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
Nhận xét về các con số nêu trên, ông Nguyễn Bích Lâm vẫn nhìn nhận tích cực về khả năng kiềm chế lạm phát trong năm 2024.
Theo ông Lâm, chính sách tiền tệ nới lỏng; biến động tỷ giá và giá hàng hoá trên thị trường thế giới có xu hướng tăng là những yếu tố chủ yếu tạo áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2024.
Bên cạnh đó, áp lực lạm phát còn do các nguyên nhân: giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu; giá điện tăng do chi phí sản xuất điện tăng và nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất và tiêu dùng tăng; điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục; cải cách tiền lương của khu vực nhà nước và tăng lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp từ 1/7/2024; chỉ số giá sản xuất tăng; giá hàng hóa và dịch vụ tăng vào dịp lễ, tết cuối năm.
Tỷ giá hối đoái có thể gia tăng thêm trong quý III/2024 khi cán cân thương mại đang nghiêng về nhập siêu để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu vào cuối năm. Tuy nhiên, việc Fed giảm lãi suất sẽ giảm áp lực lên tỷ giá.
Bên cạnh những yếu tố tạo áp lực lạm phát, ông Lâm cho biết, cũng có những yếu tố giúp kiềm chế lạm phát. Đó là nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ thuế, như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế VAT.
Cùng với đó, Chính phủ đã có kinh nghiệm trong điều hành giá hàng hóa và dịch vụ chiến lược, cộng với tổng cầu tiêu dùng còn thấp, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong khoảng 4-4,5% đã được Quốc hội thông qua, theo nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê là hoàn toàn khả thi.