Nhiều nhà quản lý quỹ nói thực trạng hiện nay của Việt Nam là thiếu hụt “sân chơi” cho nhà đầu tư ngoại, bao gồm các quy định pháp lý liên quan đến nhiều khía cạnh đầu tư và cả hàng hóa.
Tiềm năng lớn nhưng thiếu sân chơi
“Việt Nam đang là điểm đến đầu tư đáng tin cậy của các nhà đầu tư quốc tế, nhưng việc thu hút nguồn vốn qua quỹ đầu tư hay trực tiếp nước ngoài vẫn còn khó khăn”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu lên vấn đề tại hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam” diễn ra sáng ngày 28-3, do Bộ Tài chính tổ chức.
Bộ trưởng Bộ tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh thị trường vốn cần tiếp tục bứt phá về quy mô, thanh khoản và đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: BTC.
Số liệu cho thấy tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đến cuối năm 2024 chỉ chiếm 1,2% vốn hóa thị trường chứng khoán. Tổng giá trị tài sản quản lý của công ty quản lý quỹ tương đương 6,5% GDP. Trên thị trường chứng khoán số lượng nhà đầu tư liên tục tăng nhưng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,5%.
Ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập của Tập đoàn VinaCapital, cho biết hiện tại ngành quỹ Việt Nam "vẫn còn rất nhỏ", đặc biệt là các quỹ chuyên nghiệp. Điều này dẫn đến sự biến động trên thị trường rất cao.
Thực trạng thị trường hiện nay cũng cho thấy sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại đang giảm dần, trong bối cảnh xu hướng dòng tiền rút lui khỏi các quốc gia mới nổi hoặc đang phát triển, chứ không riêng gì Việt Nam.
Vấn đề của Việt Nam được các nhà quản lý quỹ nêu lên, là việc thiếu vắng các quy định cần thiết để hấp dẫn dòng vốn, các sản phẩm đầu tư, các quỹ đầu tư theo mục tiêu đặc biệt, hay thiếu các sản phẩm hàng hóa niêm yết mới.
Các lãnh đạo đại diện cho các cơ quan ban ngành liên quan đến thuế, đầu tư, ngân hàng nhà nước, chứng khoán trả lời các thắc mắc của các lãnh đạo công ty quản lý quỹ tại sự kiện. Ảnh: VD.
Cần mở rộng sân chơi
Theo ông Don Lam, để khuyến khích ngành quỹ phát triển, cần có quy định khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào thị trường, bên cạnh các vấn đề được nói thường xuyên như nâng hạng thị trường, giáo dục kiến thức, và có nhiều các sản phẩm hơn, bao gồm các quy định pháp lý lẫn các hàng hóa. “Chúng ta cần nhiều thương vụ IPO và sản phẩm hơn để các nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư nói chung có thể đầu tư”, ông Don Lam nói.
Ông Minh Đỗ, Giám đốc Quốc gia Quỹ đầu tư Warburg Pincus, nói các nhà đầu tư ngoại mong muốn nhìn thấy lộ trình giảm dần tỷ lệ sở hữu khối ngoại, trong bối cảnh tỷ lệ này ở VIệt Nam cao hơn so với nhiều quốc gia khác.
“Sở hữu nước ngoài sẽ giúp thu hút đầu tư vì cổ đông nhiều công ty lớn trên thế giới đa phần đến từ nước ngoài. Việt Nam cần sự hỗ trợ này cho tham vọng tăng trưởng hai con số. Dù có nhiều lo ngại nhưng việc giám sát chặt chẽ có thể giúp đạt được mục tiêu”, ông Minh Đỗ nói.
Bổ sung thêm, ông Albert Kwang-Chin Ting, Chủ tịch, Công ty Chứng khoán và Công ty Quản lý quỹ Phú Hưng, dẫn lại ví dụ thị trường Đài Loan, vốn hóa đã tăng rất mạnh sau khi dỡ bỏ hạn chế dành cho đầu tư nước ngoài. “Tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã tăng lên 45%, nhờ đó các nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy giá trị giao dịch của thị trường”, ông nói.
Bà Chen Ding, Tổng Giám đốc, Công ty Quản lý quỹ CSOP (Hồng Kông), chia sẻ kinh nghiệm việc Trung Quốc phát triển đa dạng các quỹ đầu tư để huy động vốn cho các dự án hạ tầng, điển hình như các dự án đường sắt có thể huy động vốn đa kênh sau khi Quỹ phát triển đường sắt quốc gia ra mắt vào năm 2014.
“Thị trường vốn sẽ giúp quốc gia xây dựng các công trình lớn”, bà Chen Ding cho biết, và nhấn mạnh thêm, dù phát triển nhanh trong giai đoạn qua, thị trường Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn sơ khai với vốn hóa khiêm tốn so với thế giới.
Phát biểu tại sự kiện, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước, đánh giá các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và ngành quỹ nói riêng giữ vai trò rất quan trọng trong việc thu hút dòng vốn dài hạn và góp phần xây dựng một cơ sở nhà đầu tư ổn định.
“Không chỉ mang lại nguồn vốn dài hạn, các tổ chức đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam, với tư cách là nhà đầu tư chiến lược, còn góp phần nâng cao chuẩn mực quản trị và minh bạch tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam. Một trong số các giải pháp quan trọng mà Ủy ban chứng khoán nhà nước đang làm là định hướng nghiên cứu để gia tăng sản phẩm trên thị trường”, bà Phương nói.
Theo đó, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu để đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, ban hành các quy định về các loại hình quỹ mới như quỹ chỉ số, quỹ đầu tư vào công cụ thị trường tiền tệ, quỹ đầu tư vào trái phiếu cơ sở hạ tầng…
Ngoài ra, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ nghiên cứu thay đổi cơ chế, cho phép các thành viên thị trường có thể thiết kế và đề xuất các chỉ số mới đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Các sản phẩm đầu tư tài chính bền vững sẽ được tăng cường, như trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững và thị trường tín chỉ carbon, hay xây dựng cơ chế phát hành trái phiếu cho các dự án PPP.