Vừa bán xe, vừa bán bảo hiểm và đầu tư các dự án BOT, dường như Tasco đang hướng tới một hệ sinh thái khép kín cho khách hàng.
Hướng đi mới của Tasco sang lĩnh vực ô tô
Mở rộng quy mô thông qua loạt thương vụ M&A đình đám
Công ty Cổ phần Tasco (HNX: HUT) được biết đến là “ông trùm BOT” khi đầu tư và vận hành hàng loạt các dự án hạ tầng trong cả nước. Tuy nhiên, chiến lược kinh doanh của tập đoàn này đang có nhiều thay đổi khi đầu tư vào lĩnh vực mới.
Ngày 29/8/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp giấy xác nhận thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho Tasco. Theo đó, doanh nghiệp chuyển từ ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản và phát triển nhà ở sang hoạt động đại lý ô tô và xe có động cơ khác, không bao gồm hoạt động đấu giá.
Hướng đi mới của Tasco đã có kế hoạch hơn 1 năm trước, khi thâu tóm 100% vốn Công ty Cổ phần SVC Holdings rồi đổi tên thành Tasco Auto (doanh nghiệp sở hữu 54,07% vốn Savico – HoSE: SVC). Thương vụ này đã giúp Tasco trở thành một trong những nhà phân phối và cung cấp dịch vụ ô tô nội địa lớn nhất cả nước khi sở hữu 86 đại lý.
Ngoài ra, Tasco Auto tăng cường sở hữu tại các công ty ô tô lớn khác như Bình Dương Ford (94%), Honda Cần Thơ (87%), và Hyundai Bình Định (71%).
Tasco Auto cũng không ngừng mở rộng hoạt động trong lĩnh vực ô tô với việc hoàn tất thâu tóm 100% Công ty TNHH Sweden Auto - nhà phân phối chính thức xe Volvo tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Tasco còn đẩy mạnh việc xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô, với mục tiêu ra mắt sản phẩm đầu tiên vào năm 2025.
Hệ sinh thái của Tasco
Thị trường ô tô đã qua sử dụng tại Việt Nam cũng đang khởi sắc, và Tasco Auto nhanh chóng nắm bắt cơ hội thông qua nền tảng Carpla. Hiện tại, hệ thống Automall của Tasco đã mở rộng lên 7 cơ sở trên toàn quốc.
Tháng 8/2024, Tasco Auto đã chào đón Tập đoàn Mitsui & Co (Nhật Bản) trở thành cổ đông chiến lược. Khoản đầu tư từ Mitsui sẽ giúp Tasco Auto tăng cường nguồn lực tài chính để hiện thực hóa các kế hoạch phát triển đầy tham vọng, bao gồm mở rộng hoạt động sản xuất và phân phối ô tô.
Thông tin đáng chú ý là mới đây, Tasco và Geely Auto Group (Geely) đã ký kết Hợp đồng liên doanh lắp ráp và phân phối xe ô tô tại Việt Nam, cũng như ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược 3 bên với Ban quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình.
Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 168 triệu USD, trong đó Tasco sẽ góp vốn đầu tư 64% và Tập đoàn Geely sẽ góp vốn 36%. Theo kế hoạch, liên doanh sẽ bước đầu lắp ráp các dòng xe thuộc thương hiệu Lynk & Co và Geely Auto, trong tương lai có thể mở rộng lắp ráp các thương hiệu xe khác. Nhà máy dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong nửa đầu năm 2025 và bàn giao mẫu xe đầu tiên tới khách hàng trong đầu năm 2026.
Tasco vừa bán xe, vừa bán bảo hiểm và đầu tư cả các dự án BOT.
Liên quan đến bất động sản, vào tháng 3/2022, Tasco đã thông qua chủ trương thành lập Tasco Land, một công ty con do Tasco nắm 100% vốn điều lệ. Tasco Land đã đầu tư vào NVT Holdings, công ty mẹ của Công ty Cổ phần Bất động sản Du Lịch Ninh Vân Bay.
Ninh Vân Bay đang là chủ một số resort cao cấp như Six Senses Ninh Van Bay, Ana Mandara Đà Lạt. Tasco gián tiếp sở hữu Ninh Vân Bay qua Tasco Land bởi NVT Holdings nắm giữ hơn 94% vốn tại Ninh Vân Bay.
Ngoài ra, Tasco cũng đã đầu tư M&A một công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Trước khi thực hiện thương vụ thâu tóm SVC Holdings, Tasco đã chi hơn 402 tỷ đồng mua 100% vốn Groupama Việt Nam và đổi tên thành Bảo hiểm Tasco. Đồng thời vào tháng 10/2024, Tasco lên kế hoạch rót thêm 800 tỷ đồng vào Bảo hiểm Tasco.
Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của Bảo hiểm Tasco sẽ tăng từ 405 tỷ đồng lên 1.205 tỷ đồng. Tasco sẽ sử dụng vốn huy động được từ cổ đông hiện hữu thông qua việc phát hành hơn 178 triệu cổ phiếu. Với mức giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu (bằng mệnh giá), Tasco dự kiến huy động được hơn 1.785 tỷ đồng.
Vừa bán xe, vừa bán bảo hiểm và đầu tư cả các dự án BOT tạo nên một hệ sinh thái khép kín cho khách hàng của công ty. Mục tiêu của hoạt động M&A của Tasco dường như là xây dựng mô hình kinh doanh tích hợp theo chiều dọc, hướng tới phục vụ khách hàng trọn vòng đời sử dụng dịch vụ ô tô thay vì cung cấp một vài dịch vụ đơn lẻ.
Vốn hóa lên 1,1 tỷ USD, dồn hơn 13.000 tỷ đồng để trả nợ
Thông qua các thương vụ thâu tóm và sáp nhập doanh nghiệp khác, quy mô tài sản của Tasco cũng tăng rất nhanh. Tính đến ngày 31/12/2023, Tasco lần đầu ghi nhận quy mô tài sản vượt mốc tỷ USD, đạt 26.749 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng tăng mạnh từ 3.873 tỷ đồng lên hơn 11.300 tỷ đồng.
Năm 2023, doanh thu của Tasco tăng trưởng mạnh, đạt 10.995 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với kế hoạch đề ra, mức tăng trưởng này vẫn chưa đảm bảo. Chưa kể, dù doanh thu tăng mạnh, nhưng lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp lại sụt giảm 61% so với 2022, chỉ vỏn vẹn 56 tỷ đồng.
Bên cạnh doanh thu, lợi nhuận không như kỳ vọng, việc hợp nhất SVC Holdings còn khiến nợ vay Tasco tăng cao. Tổng nợ phải trả của Tasco ở thời điểm cuối năm 2023 cao gấp đôi so với đầu năm, lên gần 15.435 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay tại Tasco tăng vọt 70% so với đầu năm, lên mức 8.223 tỷ, chiếm 53% tổng nợ phải trả và 31% nguồn vốn của doanh nghiệp.
Hàng tồn kho đến cuối năm 2023 của HUT là 2.487 tỷ đồng, gấp 25 lần so với đầu kỳ, trong đó gần 1.699 tỷ đồng là hàng hóa xe ô tô và xe máy, chiếm 70%. Ngoài ra, trong hàng tồn còn có chi phí sản xuất kinh doanh dở dang hơn 654 tỷ đồng, cao gấp 38 lần so với đầu năm, đáng chú ý là dự án khu dân cư Nam Cầu Cẩm Lệ chiếm gần 586 tỷ đồng.
Còn mới đây nhất, tính đến cuối quý III/2024, tổng tài sản của Tasco đạt 28.055 tỷ đồng, tăng 4,8% so với đầu năm. Quỹ tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp đạt gần 2.600 tỷ đồng, trong đó bao gồm 2.021 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, cùng 577 tỷ đồng đầu tư giữ đến ngày đáo hạn.
Hàng tồn kho của Tasco cũng tăng mạnh, đạt hơn 3.100 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm. Cơ cấu hàng tồn kho bao gồm 1.876 tỷ đồng hàng hoá và 868 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án bất động sản như Khu dân cư Nam Cầu Cẩm Lệ (585 tỷ đồng), khu nhà ở Tam Bình – Hiệp Bình Phước (41,1 tỷ đồng).
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Tasco đạt hơn 19.750 tỷ đồng, tăng gấp 6,2 lần cùng kỳ. Song lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 127 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Tasco hơn 15.868 tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn chiếm 3.782 tỷ đồng (tăng 13,9%) và nợ vay dài hạn là 5.459 tỷ đồng (tăng 11,3%).
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ ghi nhận trong 9 tháng qua, Tasco đã chi hơn 13.000 tỷ đồng để trả nợ gốc vay, cao gần gấp 10 lần so với cùng kỳ. Đây cũng là dòng lưu chuyển tiền lớn nhất trong báo cáo.