Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
HSG: Hoa Sen rời 'cuộc đua' sản xuất đi tìm cơ hội mới
Chuyên mục:

Doanh nghiệp

Asean Times | 15:05
Google news

Trong khi các doanh nghiệp khác tất bật với kế hoạch mở rộng sản xuất để đón đầu xu hướng phục hồi của ngành thép thì Hoa Sen lại khá im ắng. Công ty lựa chọn tập trung cho chuỗi phân phối vật liệu xây dựng và dự kiến chi khoảng 5.000 tỷ đồng để “lấn sân” các lĩnh vực khác.

Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) là một trong những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội trong năm 2024.

Trong niên độ tài chính 2023-2024 (từ 1/10/2023 đến 30/9/2024), công ty đặt kế hoạch kinh doanh với hai kịch bản. Kịch bản một là doanh thu 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, tăng gấp hơn 12 lần. Kịch bản hai là doanh thu 36.000 tỷ đồng, tăng 14%; lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng, tăng gấp 16 lần so với thực hiện trong niên độ 2022-2023.

Chỉ sau 9 tháng, Hoa Sen đã vượt kế hoạch lợi nhuận ở cả hai kịch bản. Cụ thể, doanh nghiệp mang về 29.163 tỷ đồng doanh thu trong 9 tháng đầu niên độ (từ 1/10/2023 đến 30/6/2024); tăng 24% so với cùng kỳ niên độ trước; lợi nhuận sau thuế đạt 696 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 410 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Hoa Sen vượt kỳ vọng trong bối cảnh ngành thép bắt đầu hồi phục từ nửa cuối năm 2023. Trong báo cáo phân tích phát hành đầu tháng 9 vừa qua, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo thời gian tới, HSG sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tại thị trường nội địa nhờ nhu cầu từ các dự án bất động sản khu công nghiệp và nhà ở, đặc biệt là tại các thành phố lớn và khu vực miền Nam.

Tuy nhiên, đối với thị trường xuất khẩu, sản lượng ước tính chỉ tương đương cùng kỳ do nhu cầu yếu tại các thị trường xuất khẩu lớn như Bắc Mỹ và châu Âu, cùng với sự suy giảm trong biên độ chênh lệch giá giữa thép trong nước và quốc tế.

Đơn vị phân tích ước tính doanh thu của HSG trong quý cuối cùng của niên độ 2023-2024 sẽ đạt 8.808 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận gộp đạt 956 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp giảm về 10,8% (từ mức 12,1% của quý 3). Qua đó lợi nhuận sau thuế quý 4 dự kiến đạt 136 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ.

Đối với triển vọng 2025, VDSC cho rằng việc điều tra chống bán phá giá đối với tôn mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (quá trình điều tra kéo dài từ 6-12 tháng) giúp bảo vệ thị phần của các nhà sản xuất trong nước, duy trì môi trường cạnh tranh công bằng hơn. Qua đó, doanh thu và lợi nhuận của HSG được kỳ vọng tiếp tục hồi phục và lần lượt đạt 43.136 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ) và 1.169 tỷ đồng (tăng 40,6%).

Chứng khoán KB (KBSV), trong báo cáo phát hành cuối tháng 8/2024, cũng kỳ vọng sản lượng tiêu thụ nội địa của HSG tiếp tục cải thiện trong thời gian tới nhờ thị trường bất động sản dần hồi phục, nhu cầu gia tăng trong mùa xây dựng cuối năm. Bên cạnh đó, thuế chống bán phá giá tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ được phê duyệt và áp dụng trong thời gian tới, giúp hỗ trợ sản lượng tiêu thụ của HSG.

Trong ngắn hạn, KBSV cho rằng sản lượng xuất khẩu của HSG sẽ chịu tác động tiêu cực khi nhu cầu nhập khẩu thép, tôn mạ suy yếu sau khi các biện pháp phòng vệ tại thị trường Mỹ và EU được áp dụng, làm tăng chi phí nhập khẩu thép vào các thị trường trên. Còn trong dài hạn, triển vọng xuất khẩu sẽ ít bị ảnh hưởng nhờ chênh lệch giá HRC tại Mỹ và EU so với Việt Nam duy trì ở mức 10% trở lên; mức thuế nhập khẩu thép từ Việt Nam thấp hơn Trung Quốc sẽ tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu tôn mạ. HSG có lợi thế khi giữ thị phần tôn mạ lớn nhất tại thị trường trong nước (28,4% tại thời điểm cuối 2023).

KBSV dự báo doanh thu và lợi nhuận của Hoa Sen trong niên độ tài chính 2023-2024 lần lượt đạt 39.060 tỷ đồng và 728 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và gấp 29 lần cùng kỳ. Niên độ tài chính 2024-2025, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp được dự báo đạt 42.820 tỷ đồng và 856 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 18% so với cùng kỳ.

Tập đoàn Hoa Sen được sáng lập bởi doanh nhân Lê Phước Vũ. Từ một cửa hàng cắt tôn vận hành năm 1994, ông Vũ thành lập CTCP Tôn Hoa Sen vào năm 2001, với vốn điều lệ 30 tỷ đồng và 22 nhân viên. Hiện vốn điều lệ của Hoa Sen đạt gần 6.160 tỷ đồng. Công ty có 9 công ty con và 2 công ty liên kết, hơn 7.000 nhân viên. Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của Hoa Sen đạt gần 20.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm cách đây 10 năm. Trong cơ cấu tài sản, hàng tồn kho chiếm 52% với hơn 10.000 tỷ đồng.

Trong quá trình kinh doanh, Hoa Sen cũng không thể tránh khỏi những giai đoạn thăng trầm cùng ngành thép. Năm 2021, doanh nghiệp từng bước lên đỉnh cao lợi nhuận với con số lãi ròng hơn 4.300 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, “cơn bão” ập đến thị trường bất động sản ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ và giá thép, tôn mạ. Hàng tồn kho giá cao khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành phải chịu cảnh kinh doanh dưới giá vốn. Kết quả kinh doanh của HSG cũng “lao dốc không phanh”, với con số lãi ròng năm 2023 chỉ vỏn vẹn 30 tỷ đồng.

Kỳ vọng phục hồi từ năm 2024, Hoa Sen cũng bắt đầu triển khai kế hoạch tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình quản trị của tập đoàn theo hướng tách các mảng sản xuất kinh doanh. Năm 2023, CTCP Nhựa Hoa Sen đã tiếp nhận thêm hai nhà máy nhựa tại miền Bắc và miền Trung nhằm chuyên môn hóa toàn bộ mảng sản xuất kinh doanh nhựa.

Hoa Sen dự kiến sẽ thành lập CTCP Hoa Sen Home để tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của mảng phân phối, bán lẻ và chuỗi siêu thị vật liệu xây dựng, nội thất Hoa Sen Home; chuyển đổi Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ thành CTCP Ống thép Hoa Sen để tiếp nhận toàn bộ hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh ống thép. Doanh nghiệp cũng có ý định niêm yết Nhựa Hoa Sen và Ống thép Hoa Sen lên sàn chứng khoán.

Tại ĐHĐCĐ năm 2022, ông Lê Phước Vũ từng bày tỏ kỳ vọng rất lớn vào hệ thống bán lẻ Hoa Sen Homes, khẳng định đây là nỗ lực cuối cùng của ông trước khi rời tập đoàn để xuất gia. Với mục tiêu doanh thu 2 tỷ USD, Chủ tịch HSG cho rằng nếu được điều hành tốt, Hoa Sen Home sẽ lớn gấp nhiều lần Tập đoàn Hoa Sen hiện nay. Tuy nhiên trong bối cảnh ngành bất động sản – xây dựng gặp khó khăn suốt 2 năm qua, kỳ vọng của ông Vũ vẫn chưa có nhiều tiến triển. Thời gian gần đây, Hoa Sen Homes mới rục rịch tìm kiếm các đơn vị cho thuê mặt bằng/nhà xưởng để mở rộng hệ thống.

Cũng tại ĐHĐCĐ năm 2022, ông Lê Phước Vũ cũng tuyên bố Hoa Sen từ năm 2022 sẽ không đầu tư vào sản xuất nữa. Thực tế, khi các doanh nghiệp trong ngành như Hoà Phát, Nam Kim, Tôn Đông Á... đều đang triển khai các dự án mở rộng năng lực sản xuất thì Hoa Sen lại khá im ắng. Thay vào đó, công ty dự kiến chi 5.000 tỷ đồng để mở rộng ngành nghề kinh doanh sang các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…

Trong đó, bất động sản là lĩnh vực HSG từng “tham chiến” từ lâu. Ngay từ năm 2009, Hoa Sen đã cùng lúc đầu tư vào bất động sản với 5 dự án. Tuy nhiên chỉ sau đó 2 năm, công ty tuyên bố tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thép và rút hết vốn ra khỏi 4 dự án. Năm 2016, Hoa Sen lại trở lại lĩnh vực này với việc thành lập tới 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc.

Tuy nhiên một lần nữa, cái duyên của doanh nghiệp với bất động sản vẫn chưa tới. Các công ty địa ốc nhanh chóng giải thể, chỉ còn lại CTCP Hoa Sen Yên Bái, đơn vị đầu tư Khách sạn Yên Bái. Dự án này khởi công từ năm 2016, dự kiến đưa vào sử dụng từ năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

Tham vọng trở lại với bất động sản, cuối năm 2023, Hoa Sen góp vốn thành lập CTCP Hoa Sen Sài Gòn (tỷ lệ sở hữu 40%). Theo định hướng hoạt động, công ty này có nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản có giá trị 1.000-3.000 tỷ đồng để phát triển các dự án văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho tập đoàn; cho thuê hoặc chuyển nhượng bất động sản.

NỘI DUNG: PHẠM NGỌC; THIẾT KẾ: THU TRANG

Link gốc

Thị trường đóng cửa
HSG
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục