Hòa Phát (HPG) từng đặt tham vọng vào top 3 nhà phát triển bất động sản hàng đầu. Tuy nhiên, với tình hình thực tế, dù mảng địa ốc vẫn là 1 trong 4 trụ cột tăng trưởng, song nhiều khả năng đây sẽ không còn là ưu tiên số 1 của “vua thép”.
Theo SSI Research, ngành thép và Tập đoàn Hòa Phát (HPG) được dự báo tăng trưởng tích cực, với dự phòng doanh thu và lợi nhuận ròng trong năm 2025 lần lượt là 160.900 tỷ đồng và 15.300 tỷ đồng, tăng 15,9% và 28% so với cùng kỳ.
Động lực của tăng trưởng đến từ đẩy mạnh đầu tư công và thị trường bất động sản phục hồi, cùng với sản lượng thép cao hơn từ Dung Quất 2 – Giai đoạn 1 đi vào hoạt động từ quý I/2025 và giả định cơ bản về thuế chống bán phá giá HRC sẽ được áp dụng đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.
Về mức thuế thép nhập khẩu mới gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump, SSI Research nhận thấy tác động có phần tích cực đến HPG.
Tuyên bố gần đây của về việc tăng thuế nhập khẩu thép của Mỹ lên 25% không ảnh hưởng trực tiếp đến thép Việt Nam, vì thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã bị đánh thuế 25% từ năm 2018 và động thái này sẽ đặt thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ ở vị thế tương đối bình đẳng hơn so với các quốc gia khác.
Hòa Phát nhiều khả năng sẽ tiếp tục gác lại tham vọng vào top 3 ngành bất động sản.
Với những thuận lợi đang có, giới phân tích đánh giá cao triển vọng của HPG trong thời gian tới.
Ngược về năm 2024, Hòa Phát kết thúc năm với doanh thu thuần đạt 138.855 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước, dù chưa thể chạm tới mức đỉnh của giai đoạn 2021 - 2022.
Lĩnh vực thép đương nhiên vẫn đóng vai trò cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn, song ngành bất động sản như thường lệ cũng là một trong những trụ cột tăng trưởng của doanh nghiệp đứng đầu ngành thép Việt.
Cụ thể, mảng bất động sản của HPG năm 2024 ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ khi mang về 2.083 tỷ đồng doanh thu và 683 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 2,2 lần và 2 lần so với năm 2023. Bất động sản chiếm 2% doanh thu và 6% lợi nhuận của tập đoàn.
Hiện, “vua thép” vận hành 3 khu công nghiệp, tổng quỹ đất khu công nghiệp được phê duyệt quy hoạch là 1.133,44 ha. Trong đó khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên) với quy mô 689ha, đã đạt tỷ lệ lấp đầy 95% và thu hút 164 doanh nghiệp trong và ngoài nước; khu công nghiệp Hòa Mạc (Hà Nam) rộng 131ha, hiện đã lấp đầy 100%; khu công nghiệp Yên Mỹ II (Hưng Yên) rộng 313,5ha, hiện đạt tỷ lệ lấp đầy gần 50%, trong khi giai đoạn 2 đã hoàn tất giải phóng mặt bằng và sẵn sàng bàn giao lô đất cho nhà đầu tư.
Ngoài khu công nghiệp, Hòa Phát cũng đang triển khai dự án nhà ở xã hội quy mô 31ha tại KCN Yên Mỹ II, với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Song song đó, tập đoàn tiếp tục xúc tiến thủ tục đầu tư cho 3 khu công nghiệp mới, dự kiến triển khai trong thời gian tới.
Rõ ràng, bất động sản vẫn là một trong 4 lĩnh vực “chủ công” của Hòa Phát, bên cạnh lĩnh vực chính là thép, cùng với nông nghiệp và điện máy gia dụng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tham vọng lọt vào top 3 doanh nghiệp địa ốc hàng đầu không phải là ưu tiên số một.
Thay vào đó, câu chuyện lớn nhất trong ngắn hạn của “vua thép” là hoàn thành chạy thử dây chuyền sản xuất HRC tại khu liên hợp Dung Quất 2. Lò cao đầu tiên của nhà máy này dự kiến sẽ chạy thử vào đầu quý I/2025, trước khi vận hành thương mại.
Theo kế hoạch của Hòa Phát, công suất của nhà máy DQ2 sẽ dành hoàn toàn để sản xuất HRC, đưa tổng công suất 2 nhà máy lên 5,6 triệu tấn khi hoàn thành (so với 4,6 triệu tấn HRC và 1 triệu tấn thép xây dựng chuyên dụng trước đây). Giai đoạn 2 dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025, bổ sung thêm 2,8 triệu tấn mỗi năm, nâng tổng công suất lên 8,4 triệu tấn mỗi năm.
Tỷ phú Trần Đình Long cũng từng khẳng định: “HPG bước chân vào bất động sản không phải theo phong trào, không phải vào bằng được hay ra bằng được. Chiến lược đầu tư vào bất động sản không thay đổi, nhưng sẽ là những bước đi thận trọng, từ từ”.