Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, nên xem xét mô hình cho thuê lưu trú ngắn ngày với căn hộ chung cư như một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về việc cấm cho thuê căn hộ chung cư lưu trú ngắn ngày. Ảnh: Bảo Chương
Vào tháng 2.2024, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 26 quy định về quản lý và sử dụng nhà chung cư. Theo đó, việc cho thuê căn hộ trong nhà chung cư phải đảm bảo đúng mục đích sử dụng để ở, tuyệt đối không sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích lưu trú ngắn hạn, theo ngày, giờ...
Quy định này được nhiều cư dân sinh sống tại dự án chung cư ủng hộ nhưng cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các chủ căn hộ đang kinh doanh mô hình cho thuê. Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), việc cấm mô hình lưu trú Airbnb cũng kéo theo nhiều hệ lụy kinh tế của thành phố.
Thống kê sơ bộ của Hiệp hội này cho thấy, TPHCM có khoảng 8.740 căn hộ chung cư cho thuê ngắn hạn qua Airbnb tại 24 tòa nhà, nếu mỗi căn hộ trị giá khoảng 5 tỉ đồng, tổng giá trị đầu tư lên tới 43.700 tỉ đồng. Với tỉ lệ vay 70% và lãi suất 9%/năm, tổng dư nợ là khoảng 30.590 tỉ đồng, và chi phí lãi vay hàng năm gần 2.753 tỉ đồng.
Nên việc cấm cho thuê căn hộ ngắn ngày khiến nhiều chủ căn hộ đã gặp khó khăn do phải bồi thường hợp đồng, mất nguồn khách ngắn hạn, mất thu nhập, ảnh hưởng khả năng trả nợ. Nhiều người buộc phải giảm giá thuê hoặc chuyển sang cho thuê dài hạn, nhưng với quy mô gần 9.000 căn, việc tìm khách dài hạn là rất khó khăn.
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, quy định cấm “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở” không phải là điểm mới trong Luật Nhà ở 2023. Trên thực tế, quy định này đã được nêu từ Luật Nhà ở 2014. Tuy nhiên, trong suốt gần 10 năm thực thi, quy định này không gây khó khăn cho các chủ sử dụng căn hộ để cho thuê ngắn hạn qua nền tảng như Airbnb.
Điều đáng chú ý là, chỉ sau khi Luật Nhà ở 2023 được ban hành và quy định này được lặp lại tại điểm c khoản 8 Điều 3, UBND TPHCM mới ban hành Quyết định số 26/2025/QĐ-UBND, chính thức cấm hoạt động cho thuê lưu trú ngắn ngày tại căn hộ chung cư.
Ông Châu cho rằng, thành phố đã có cách hiểu chưa đúng về quy định này trong Luật Nhà ở 2023. Luật đã có quy định chủ sở hữu nhà chung cư có quyền cho thuê căn hộ của mình theo hình thức dài hạn (theo tháng, theo năm) hoặc ngắn hạn (theo ngày, theo tuần, Airbnb...). Luật Lưu trú 2013 cũng khẳng định "lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm". Vì vậy, cách hiểu của thành phố là chỉ những căn hộ cho thuê dài hạn mới là nhằm mục đích để ở (lưu trú), còn thuê ngắn hạn thì không thuộc phạm vi để ở (lưu trú) là chưa chính xác.
Cũng theo ông Châu, việc TPHCM cấm trong khi các địa phương khác không cấm có thể làm giảm sức hút của thành phố với khách du lịch, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển du lịch ngành kinh tế mũi nhọn.
Trước thực trạng trên, HoREA kiến nghị TPHCM cần có cách hiểu thống nhất về khái niệm “sử dụng căn hộ để ở” bao gồm cả cho thuê dài hạn và ngắn hạn, miễn là người thuê sử dụng để ở, không chuyển đổi công năng như làm văn phòng, quán ăn… Không nên cấm cho thuê ngắn hạn nếu hoạt động này vẫn phục vụ mục đích cư trú (dù là tạm thời).
Đồng thời, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích rõ khái niệm “sử dụng để ở” và “không phải để ở” trong Luật Nhà ở, nhằm giúp các địa phương áp dụng thống nhất, tránh hiểu sai và gây ảnh hưởng không cần thiết đến đời sống, kinh tế và du lịch.
UBND TPHCM cũng đã giao Sở Xây dựng phối hợp các đơn vị liên quan căn cứ trên quy định pháp luật và Nghị quyết về các cơ chế đặc thù phát triển thành phố để đánh giá tình hình thực tế về việc quản lý mô hình lưu trú ngắn ngày trong chung cư. Làm sao để mô hình này vừa đảm bảo an ninh cho người dân đang sinh sống, đồng thời nghiên cứu cơ chế phát triển kinh tế, du lịch thành phố.