Quý 4/2024, Nhiệt điện Hải Phòng báo lỗ sau thuế 246 triệu đồng, tuy nhiên lũy kế trong năm 2024, đơn vị này vẫn ghi nhận khoản lãi sau thuế hơn 422 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 4 ảm đạm
Theo báo cáo tài chính mà CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (Nhiệt điện Hải Phòng) vừa công bố, quý 4/2024 công ty này ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm với khoản lỗ sau thuế 246 triệu đồng. Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp mà Nhiệt điện Hải Phòng ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong năm 2024.
Mặc dù vậy, tính cả năm Nhiệt điện Hải Phòng vẫn báo lãi sau thuế với mức hơn 422 tỷ đồng, bởi trong quý 1 và quý 2 năm 2024 Nhiệt điện Hải Phòng đã tích lũy được các khoản lợi nhuận lớn hơn 430 tỷ đồng.
Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng. (Ảnh:
Lý giải về kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý 4, Nhiệt điện Hải Phòng nêu nguyên nhân chủ yếu do một số công trình sửa chữa lớn (SCL) tổ máy số 2 hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng trong tháng 12/2024 nên chi phí SCL hoàn thành được ghi nhận vào tháng 12/2024.
Bên cạnh đó, các khoản chi phí dịch vụ mua ngoài, chi phí bằng tiền khác ghi nhận nhiều vào Quý 4. Đồng thời, quý này, sản lượng hợp đồng Qc giao thấp và sản lượng huy động của thị trường thấp dẫn đến lợi nhuận từ thị trường điện không đủ bù đắp chi phí do thiếu hụt sản lượng Qc.
Trong quý 4, Nhiệt điện Hải Phòng ghi nhận doanh thu trong quý 4 đạt hơn 2.431 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2024, Nhiệt điện Hải Phòng ghi nhận doanh thu hơn 11.036 tỷ đồng, giảm khoảng 4% so với năm 2023.
Không còn nợ vay
Tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Nhiệt điện Hải Phòng đạt 7.143 tỷ đồng, giảm gần 9% so với đầu năm. Trong đó, đáng chú ý là các khoản mục như: phải thu khách hàng hơn 2.556 tỷ đồng, hàng tồn kho 805 tỷ đồng, tiền mặt tại quỹ hơn 18 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, với tính chất là doanh nghiệp thuần sản xuất trong lĩnh vực năng lượng, vì vậy, Nhiệt điện Hải Phòng ghi nhận nguyên giá tài sản cố định lên tới gần 21.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị tài sản cố định này đã được khấu hao gần hết, khi ghi nhận giá trị còn lại là hơn 3.190 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính quý 4 của Nhiệt điện Hải Phòng là ở khoản mục vay và thuê tài chính. Cụ thể, tại ngày 31/12/2024, Nhiệt điện Hải Phòng không còn ghi nhận bất kỳ khoản vay và thuê tài chính nào trên bảng cân đối kế toán. Trước đó, thời điểm đầu quý 4, Nhiêt điện Hải Phòng vẫn ghi nhận hơn 403 tỷ đồng từ khoản mục này.
Nhiệt điện Hải Phòng được sở hữu bởi nhiều tập đoàn lớn trong linh vực năng lượng. (Ảnh:
Cùng với việc hạn chế vay nợ, Nhiệt điện Hải Phòng cũng ghi nhận giá trị vốn chủ sở hữu lớn lên tới hơn 5.886 tỷ đồng, chiếm tới hơn 82% tổng nguồn vốn của Nhiệt điện Hải Phòng. Trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là 5.000 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn quỹ đầu tư phát triển, thặng dư vốn cổ phần...
Về khoản mục nguồn vốn, dù không ghi nhận các khoản vay nợ thuê tài chính, tuy nhiên, Nhiệt điện Hải Phòng vẫn ghi nhận các khoản nợ liên quan trong hoạt động thương mại với các đối tác hơn 968 tỷ đồng và các khoản phải trả khác hơn 153 tỷ đồng...
Theo báo cáo, Nhiệt điện Hải Phòng được thành lập và hiện đang nắm giữ bởi các cổ đông có quy mô vốn "khủng". Cụ thể, hiện Tổng Công ty Phát điện 2 là công ty mẹ sở hữu 51% vốn điều lệ của Nhiệt điện Hải Phòng, còn lại Nhiệt điện Phả Lại nắm 25,97%, SCIC nắm 9%, Tổng công ty Điện lực - TKV nắm hơn 7,2%...
Hiện, Nhiệt điện Hải Phòng đang niêm yết và giao dịch tại UpCOM với mã HND. Đóng cửa phiên giao dịch gần nhất ngày 16/1, HND có mức giá 2.700 đồng/cổ phiếu.
Nguyễn Hữu Phương