Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương nổi lên tình trạng nhiều cá nhân có hành vi mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng. Chỉ vì ham lợi trước mắt mà một số người đã bị các đối tượng dụ dỗ để mua tài khoản ngân hàng nhằm thực hiện hành vi phạm tội.
Theo cơ quan chức năng, việc mua bán, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng tiềm ẩn nhiều hệ lụy và vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự.
Theo thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, tình trạng cá nhân mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng còn diễn biến phức tạp. Một số người dân không ý thức được việc làm này là hành vi nguy hiểm, đã gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật. Các đối tượng thường lợi dụng vào tâm lý hám lợi của bị hại, tập trung vào các vùng nông thôn khu vực có đông công nhân lao động để dụ dỗ mua bán, cầm cố tài khoản ngân hàng.
Quầy giao dịch tại một Chi nhánh Ngân hàng ở Bình Dương. Ảnh minh họa
Cách đây chưa lâu, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp cùng Công an tỉnh Bình Dương và Công an một số tỉnh, thành phía Nam khám phá đường dây lập hàng trăm ngàn tài khoản ngân hàng trái phép để thu lợi bất chính. Cơ quan điều tra xác định các đối tượng Nguyễn Thị Tuyết Nhung (SN 1992), Võ Minh Hùng (SN 1985), Lê Ngọc Anh, Nguyễn Bá Việt, Nguyễn Phương Loan, Nguyễn Thị Như Ngọc và Nguyễn Thanh Xuân thành lập Công ty TNHH Tư vấn tài chính Nhung Nguyễn và Minh Anh với hàng chục chi nhánh hoạt động rầm rộ tại các địa bàn có nhiều khu công nghiệp, khu dân cư đông người để tư vấn vay vốn tín chấp miễn phí.
Khám xét tại 12 chi nhánh của 2 công ty này, cơ quan Công an thu giữ 4 con dấu, 3 giấy phép kinh doanh, 70 điện thoại di động; 12 máy tính, hàng chục ngàn tài khoản ngân hàng trực tuyến, hàng ngàn sim điện thoại rác để mở tài khoản trái phép.
Các đối tượng khai, sau khi thành lập công ty và chi nhánh, chúng tuyển rất nhiều lao động nữ để làm nhiệm vụ tư vấn cho vay. Khi người có nhu cầu tư vấn tìm đến chúng thu nhận căn cước công dân, hình ảnh của người vay, sau đó dùng sim rác cộng với dữ liệu trên để mở tài khoản ngân hàng trực tuyến. Một sim rác như vậy, các đối tượng mở hàng chục tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau. Trung bình mỗi tháng các đối tượng tạo lập trái phép khoản 20.000 tài khoản các loại, trong đó phần lớn là tài khoản ngân hàng. Số tài khoản này phần lớn được bán lại cho các đối tượng lừa đảo qua mạng, tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền… thu lợi bất chính rất lớn.
Bên cạnh thủ đoạn mua trực tiếp từ các khoản ngân hàng có sẵn, các đối tượng còn dẫn dụ người dân mở tài khoản thanh toán để bán, cho thuê, cho mượn hoặc sử dụng thông tin của người dân cung cấp để mở tài khoản nặc danh, mạo danh. Điều này không chỉ gây mất an ninh, an toàn đối với hoạt động thanh toán, hoạt động ngân hàng, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán của ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Bà Lê Ngọc Phương Mai, Phó Giám đốc Ngân hàng ACB Chi nhánh tỉnh Bình Dương thông tin, hiện Ngân hàng ACB ghi nhận khoảng hơn 10.000 tài khoản có dấu hiệu nghi ngờ. Đồng thời, ACB cũng thường xuyên cập nhập thông tin các tài khoản có dấu hiệu lừa đảo để có thể nhận diện sớm và cảnh báo đến cho khách hàng biết trước khi khách hàng thực hiện giao dịch chuyển tiền đến các tài khoản nằm trong danh sách tài khoản có dấu hiệu nghi ngờ. Qua đó giúp bảo vệ tài sản, quyền lợi của khách hàng và ngăn chặn các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua đối chiếu dữ liệu thông tin khách hàng và phối hợp dữ liệu căn cước từ Bộ Công an, ACB cũng sẽ chủ động rà soát và loại bỏ các tài khoản ngân hàng không chính chủ.
Thượng tá Hồ Thọ Hải, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Dương cho biết, theo quy định của pháp luật, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng không được mua, bán. Hiện nay, có tình trạng người dân mở tài khoản ngân hàng rồi bán với giá từ 1-2 triệu đồng/tài khoản. Việc làm này tiềm ẩn nhiều hệ lụy xấu cho chính bản thân của người bán tài khoản cá nhân và có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, việc mua bán tài khoản ngân hàng có những rủi ro mà hậu quả người chủ tài khoản phải gánh chịu mà phổ biến nhất là bị dư nợ trong tài khoản ngân hàng mà không rõ nguyên nhân. Do đó, để tránh những hệ lụy phát sinh cho bản thân, mỗi người cần nâng cao ý thức tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình, không chia sẻ hoặc cung cấp thông tin cho bất kỳ tổ chức cá nhân nào mà mình không quen biết. Khi bị mất các giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng cần nhanh chóng thông báo cho cơ quan chức năng hoặc ngân hàng hỗ trợ. Khi phát hiện có đối tượng chào mời mua bán tài khoản ngân hàng thì nhanh chóng tố giác với cơ quan Công an để có biện pháp xử lý, ngăn chặn.
Từ thực tế cho thấy, số tiền có được từ việc bán tài khoản không đáng là bao, tuy nhiên, việc cá nhân mở tài khoản ngân hàng nhưng không sử dụng mà bán, trao đổi cho thuê thì tùy theo tính chất mức độ sẽ bị xem xét xử lý hành chính với mức phạt tiền cao nhất đến 100 triệu đồng hoặc xử lý hình sự theo điều 291 Bộ luật Hình sự với mức án cao nhất lên đến 7 năm tù.
Phương Tuyền