Việc sửa đổi ba bộ luật quan trọng về bất động sản đang tạo ra tác động mạnh mẽ đến thị trường, không chỉ tháo gỡ vướng mắc pháp lý mà còn thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng. Những thay đổi về khung pháp lý, kết hợp với chính sách quy hoạch kịp thời và sự phát triển của hạ tầng giao thông, đang mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Theo ông Dương Đức Hiếu, Giám đốc kiêm Chuyên gia Phân tích Cấp cao tại VIS Rating, những thay đổi trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản không chỉ cải thiện khung pháp lý mà còn góp phần nâng cao tính minh bạch của thị trường, giúp đẩy nhanh quá trình phê duyệt cũng như tháo gỡ nhiều vướng mắc về thủ tục và cơ chế trong suốt thời gian qua.
Ảnh minh hoạ.
Việc ban hành các bộ luật sửa đổi đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng trong công tác xây dựng khung pháp lý cho một lĩnh vực kinh tế trọng điểm như bất động sản. Đáng chú ý, một số biện pháp triển khai đã được thực hiện ngay sau khi luật có hiệu lực, dù trước đây chưa có nhiều tiền lệ. Chẳng hạn, việc đẩy nhanh hiệu lực của luật so với kế hoạch ban đầu hay nhanh chóng ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn để đảm bảo tính đồng bộ trong thực thi.
Một trong những kết quả rõ nét nhất mà VIS Rating ghi nhận là trong quý III/ 2024, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã hoàn thành việc công bố quy hoạch cấp tỉnh. Đồng thời, hơn một phần ba số tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch trong cùng năm.
“Chúng tôi kỳ vọng đến hết năm 2025, hầu hết các địa phương sẽ hoàn thiện kế hoạch thực hiện của mình, tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển dự án cũng như hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản” – Chuyên gia từ VIS Rating cho biết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo Kinh tế thuộc Ban Kinh tế Trung ương cũng đồng tình với quan điểm rằng thị trường bất động sản Việt Nam đang trên đà hồi phục. Đặc biệt, khi nhìn vào số liệu của TP. Hồ Chí Minh, có thể thấy rõ sự chuyển biến mạnh mẽ. Nếu như trong giai đoạn trước đó, thị trường còn trầm lắng, thì đến quý IV, sự bùng nổ đã diễn ra rõ rệt.
Dòng tiền và doanh số của các doanh nghiệp bất động sản sẽ cải thiện trong năm 2025.
Điều này phản ánh việc nhiều nút thắt trong nguồn cung bất động sản mới tại TP. Hồ Chí Minh đã được tháo gỡ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển mạnh mẽ hơn. Những chuyển động tích cực này cho thấy các chính sách mới đang dần phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường này.
Dưới góc nhìn đầu tư, theo chuyên gia từ VIS Rating, các chính sách mới sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thị trường bất động sản. Dù có nhiều lựa chọn đầu tư khác như cổ phiếu hay trái phiếu, nhưng trong bối cảnh hiện tại, những kênh này đang có diễn biến chậm hoặc thiếu ổn định. Ngược lại, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong cả ngắn hạn và trung hạn, thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân.
Bên cạnh yếu tố chính sách, hạ tầng giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đang có sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong năm 2025 khi nhiều dự án trọng điểm dần hoàn thiện. Các công trình như đường vành đai, dự án mở rộng các tuyến đường mới hay hệ thống giao thông công cộng, tiêu biểu là các tuyến tàu điện trên cao, sẽ bắt đầu đi vào vận hành từ cuối năm 2024. Những yếu tố này được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy nhu cầu bất động sản tại các đô thị lớn.
Tổng hợp các yếu tố thuận lợi từ chính sách, hạ tầng và nhu cầu thị trường, chuyên gia từ VIS Rating nhận định, doanh số bán hàng và dòng tiền từ các dự án bất động sản sẽ có sự tăng trưởng tích cực trong năm 2025. Đặc biệt, theo ghi nhận từ các doanh nghiệp bất động sản lớn đang niêm yết trên sàn chứng khoán, doanh số bán hàng trong năm tới có thể tăng trưởng từ 25% - 50%, với trọng tâm tập trung vào phân khúc nhà ở cao cấp tại các thành phố lớn.