Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, quy mô nền kinh tế của Hà Nội năm nay phải đạt 1,6 triệu tỷ đồng (tăng khoảng 130.000 tỷ đồng so với năm 2024), chiếm 12,6% GDP cả nước. Trong khi đó, TP.HCM xác định mục tiêu tăng trưởng ít nhất 10% là nhiệm vụ khó khăn nhưng không thể không làm.
Sáng 21/2, Chính phủ tổ chức hội nghị với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế.
Quốc hội đã thông qua, bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, quy mô GDP đạt khoảng trên 500 tỷ USD. Chính phủ cũng đã giao chỉ tiêu tăng trưởng năm nay cho các địa phương, bộ ngành.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, để đạt tăng trưởng 8% trở lên thì quy mô nền kinh tế của Hà Nội năm 2025 phải đạt quy mô 1,6 triệu tỷ đồng (tăng khoảng 130.000 tỷ đồng so với năm 2024), chiếm khoảng 12,6% GDP cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt khoảng 622.7000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu tăng 7% đạt hơn 20 tỷ USD. Đến ngày 20/2, TP. Hà Nội đã thu được là 171.000 tỷ đồng ngân sách và đạt 34 % kế hoạch dự toán năm 2025.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu tại hội nghị qua hình thức trực tuyến. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ông Thanh nêu rõ, Hà Nội sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.
Đầu tiên, phải khai thác, phát huy các động lực và nguồn lực truyền thống. Về nguồn đầu tư công, Hà Nội phấn đấu khoảng giải ngân 87.000 tỷ đồng trong kế hoạch, đặc biệt tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông lớn như cầu, đường sắt đô thị; tiếp tục rà soát khoảng 200 dự án chậm triển khai.
Tiếp theo là cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tư nhân, làm sao đảm bảo thu hút vốn qua ngân sách nhà nước tăng trên 18%; nộp ngân sách 360.000 tỷ đồng và vốn đầu tư FDI khoảng 3 tỷ USD; thành lập mới khoảng 30.000 doanh nghiệp và vốn đăng ký là trên 300.000 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu tiêu dùng; phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 14 %, giá trị ngành vận tải logistics tăng trên 7,7% và tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch mới đặc sắc để có thể tăng doanh thu du lịch trên 13%.
Hà Nội tập trung phát triển các động lực tăng trưởng mới, toàn diện; đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế sáng tạo, phấn đấu 2025, tỷ trọng kinh tế số của Hà Nội đạt trên 20 tỷ USD (năm 2024 là 14 tỷ USD); lập thêm các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao…
"TP. Hà Nội tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án, chương trình phát triển các mô hình tăng trưởng mới như: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị, kinh tế chia sẻ; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đặc biệt là các vấn đề mà Quốc hội, Trung ương đã giao trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, trong đó có Luật Thủ đô...", ông Thanh cho hay.
TP.HCM phấn đấu tăng trưởng ít nhất 10%
Trong khi đó, xác định mục tiêu đưa TP.HCM tăng trưởng ít nhất 10% năm 2025 là nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cho rằng, không thể không làm và đề xuất một số giải pháp, nhiệm vụ.
Một là, đưa bộ máy sắp xếp đi vào hoạt động nhanh, kịp thời, đúng theo tinh thần tinh - gọn - mạnh từ năng lực đến hiệu quả.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hai là, TP.HCM sẽ tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, các cái dự án tồn đọng, các dự án có vướng mắc. Kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành giúp thành phố trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án còn tồn đọng kéo dài, khơi thông nguồn lực.
Ba là, TP.HCM sẽ huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn xã hội để tập trung cho đầu tư phát triển và lấy đầu tư công dẫn dắt cho đầu tư tư và chủ yếu là đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Về lâu dài, ông Được cho biết, TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ còn lại được Thủ tướng giao, thực hiện Nghị quyết số 98; rà soát, đề xuất với Bộ KH&ĐT báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược, phấn đấu đến 2025 khởi công 2 dự án trong 5 dự án đầu tư BOT theo nghị quyết của Quốc hội. Đây là những dự án đặc thù cho TP.HCM.
Đồng thời, triển khai ngay quy hoạch của thành phố sau khi Thủ tướng phê duyệt. Tiếp tục duy trì và làm mới các động lực tăng trưởng, tận dụng các cơ hội mới cho thành phố phát triển như chương trình hành động của Nghị quyết 57. Triển khai dự án Trung tâm tài chính quốc tế để làm sao tạo ra kênh thu hút vốn cho quốc gia cũng như cho TP.HCM, đảm bảo nhu cầu vốn cho các dự án trong thời gian tới. Tập trung cho dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
"TP.HCM tiếp tục hứa với Thủ tướng vì cả nước, vì đồng bào thành phố sẽ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số như Thủ tướng đã kỳ vọng", ông Được nhấn mạnh.