UBND Thành phố Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2025 với hàng nghìn dự án trên toàn thành phố. Trong đó có hàng loạt dự án nhà ở, hạ tầng lớn.
Hạ tầng giao thông tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch sử dụng đất năm 2025.
Hạ tầng giao thông tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch sử dụng đất năm 2025. Đáng chú ý, huyện Đông Anh sẽ triển khai 513 dự án với tổng diện tích 5.324,8ha, trong đó có các dự án trọng điểm như đường vành đai 4, cầu Tứ Liên và cầu Nhật Tân 2. Các dự án này được kỳ vọng không chỉ cải thiện giao thông mà còn thúc đẩy sự phát triển đô thị khu vực phía Bắc.
Tại huyện Sóc Sơn, 154 dự án được triển khai, bao gồm nâng cấp tuyến đường tỉnh lộ 131, mở rộng các tuyến giao thông liên vùng, kết nối sân bay Nội Bài với các khu đô thị vệ tinh. Quận Long Biên sẽ thực hiện 152 dự án, trong đó có các dự án như mở rộng đường Nguyễn Văn Cừ và xây dựng cầu đường mới để giảm tải giao thông qua cầu Chương Dương.
Quận Nam Từ Liêm, với 96 dự án, sẽ cải thiện kết nối các khu đô thị lớn như Vinhomes Smart City và Vinhomes Green Bay, đồng thời phát triển mạng lưới đường nội khu để đáp ứng tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.
Lĩnh vực phát triển nhà ở và đô thị cũng được đầu tư mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu dân số ngày càng tăng. Huyện Gia Lâm dẫn đầu với 131 dự án, trên tổng diện tích 714,33ha, bao gồm các khu đô thị nổi bật như Vinhomes Ocean Park và các khu tái định cư phục vụ di dời dân cư.
Huyện Hoài Đức, với 135 dự án, tập trung vào xây dựng các khu dân cư mới để sẵn sàng lên quận vào năm 2025. Trong đó, khu đô thị Kim Chung - Di Trạch là điểm nhấn, với quy hoạch hiện đại và đồng bộ, đáp ứng nhu cầu nhà ở chất lượng cao.
Quận Hoàng Mai, với 116 dự án, sẽ tiếp tục triển khai các khu đô thị lớn như Gamuda Gardens, mở rộng khu Linh Đàm và xây dựng thêm các dự án nhà ở xã hội tại khu vực Định Công. Huyện Đông Anh, bên cạnh hạ tầng giao thông, còn có các khu nhà ở xã hội lớn như khu đô thị Nguyên Khê, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động.
Bên cạnh hạ tầng và nhà ở, Hà Nội cũng chú trọng vào các dự án cải tạo môi trường và nâng cao chất lượng sống. Huyện Ba Vì triển khai 181 dự án, trong đó trọng tâm là cải tạo khu du lịch Ba Vì - Suối Tiên, xây dựng hệ thống hồ điều hòa và trạm bơm tiêu để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
Huyện Thạch Thất, với 183 dự án, tập trung cải tạo hệ thống hồ nước, xây dựng công viên và các công trình xử lý nước thải. Huyện Quốc Oai có 126 dự án, trong đó nhiều dự án cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường, nhằm xây dựng khu vực này trở thành đô thị vệ tinh hiện đại.
Huyện Mỹ Đức, với 107 dự án, nổi bật là các công trình cải tạo danh lam thắng cảnh chùa Hương, nâng cấp hệ thống đường dẫn vào khu vực du lịch và xây dựng các trạm bơm tiêu nhằm đảm bảo chất lượng nông nghiệp bền vững. Quận Tây Hồ, với 89 dự án, tập trung vào cải tạo khu vực ven hồ Tây và phát triển các dự án cảnh quan, vừa tạo điểm nhấn du lịch, vừa nâng cao giá trị bất động sản khu vực.
Ngoài ra, các dự án xây dựng trường học, bệnh viện và trung tâm văn hóa được triển khai đồng bộ tại các quận huyện như Thường Tín (223 dự án) và Ứng Hòa (136 dự án), nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục và y tế cho người dân.
Khánh An