Đồng USD trên thế giới vẫn chưa ngừng tăng khiến tỷ giá trong nước nóng lên từng ngày.
Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai nhiều công cụ và giải pháp “ghìm cương” tỷ giá nhưng sức nóng của đồng USD vẫn là một áp lực với công tác điều hành và hoạt động DN từ nay đến cuối năm.
Phiên giao dịch ngày 14/11, tỷ giá trung tâm được NHNN tiếp tục điều chỉnh tăng 2 đồng (sau phiên tăng mạnh tới 21 đồng hôm qua), lên mức 24.290 VND/USD. Đây là phiên tăng thứ ba liên tiếp, và cũng là mức tỷ giá trung tâm cao nhất lịch sử kể từ khi cơ chế này được NHNN áp dụng từ đầu năm 2016.
Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch tối đa là 25.504 VND/USD. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều niêm yết giá bán ra đồng USD ở mức trần theo quy định, tức là 25.504 VND/USD.
Như vậy, sau giai đoạn lắng xuống hồi tháng 8, tháng 9, áp lực tỷ giá đang trở lại. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng hơn 1.100 đồng, tương đương mức tăng 4,4%.
Tỷ giá USD trong nước bật tăng trong bối cảnh đồng USD vẫn chưa dừng củng cố sức mạnh. Chỉ số USD Index (DXY), thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, tiếp tục tiến lên mốc cao mới là trên 106,6 điểm vào sáng nay theo giờ Việt Nam - mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua.
Đồng USD có xu hướng tăng liên tục so với các đồng tiền chủ chốt sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và đảng Cộng hòa giành được đa số phiếu tại Thượng viện và Hạ viện.
Các chính sách của tân Tổng thống Mỹ về hạn chế nhập cư bất hợp pháp, ban hành thuế quan mới được cho là có thể thúc đẩy tăng trưởng và cả lạm phát, làm giảm khả năng cắt giảm lãi suất của Fed và gia tăng sức mạnh cho đồng USD.
Bên cạnh sức ép từ thị trường quốc tế, tỷ giá USD/VND cũng chịu sức ép do nhu cầu ngoại tệ có xu hướng gia tăng do các yếu tố mùa vụ. Ngoài ra, nhu cầu mua ngoài tư từ Kho bạc Nhà nước cũng là một trong những yếu tố khiến tỷ giá tăng nhanh thời gian gần đây.
Thời gian qua, NHNN đang triển khai cả hai công cụ là phát hành tín phiếu và bán ngoại tệ để hạ nhiệt đồng bạc xanh, tuy nhiên, tỷ giá vẫn khá căng. Đại diện NHNN thừa nhận, việc ổn định tỷ giá là khó khăn do phụ thuộc cung cầu thực trên thị trường, tức lượng ngoại tệ chi ra kinh tế và nguồn thu có được.
Ở góc độ lạc quan hơn, giới phân tích kỳ vọng tỷ giá có thể bình ổn vào cuối năm. Bởi, Fed đã hạ lãi suất, dự kiến giảm thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 12/2024 và thêm 3 lần nữa trong 2025. Khi đó USD có xu hướng giảm trong 2025 và tỷ giá Việt Nam có thể được bình ổn hơn. Ngoài ra, lo ngại về chính sách thâm hụt tài khóa của Mỹ cũng có thể tạo áp lực lên đồng USD.
Để ổn định thị trường ngoại hối, NHNN sẽ kiên định mục tiêu điều hành tỷ giá, ngoại hối linh hoạt, phù hợp diễn biến thị trường. Khi thị trường biến động quá lớn, cơ quan này sẽ cân nhắc bán ngoại tệ để ổn định, đáp ứng nhu cầu người dân.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của chính sách tài khóa, đặc biệt việc cắt giảm thủ tục hành chính, tăng giải ngân vốn đầu tư công… là rất cần thiết để hạ nhiệt tỷ giá.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV dự kiến thông qua một loạt luật nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực đầu tư, tài chính. Kỳ vọng, các dự luật mới sẽ giúp khơi thông nhiều kênh vốn, kể cả vốn đầu tư công, giúp DN tiếp cận nguồn vốn đa dạng, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, từ đó tạo thêm dư địa, giúp các cơ quan chức năng vơi bớt áp lực trong quản lý, điều hành chính sách tài chính - tiền tệ.