Sản lượng qua cảng nước sâu Gemalink của Tập đoàn Gemadept (mã cổ phiếu GMD) trong năm nay dự kiến sẽ tăng 40% so với năm ngoái. Qua đó, lợi nhuận đóng góp từ Cảng Gemalink vào Tập đoàn Gemadept năm nay ước tính sẽ tăng gấp 21 lần.
Trong quý 1/2024, Công ty Cổ phần Gemadept (Tập đoàn Gemadept, mã cổ phiếu GMD - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.005 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 559 tỷ đồng, tăng 171% so với cùng kỳ năm trước.
Bóc tác dữ liệu cho thấy, doanh thu từ dịch vụ xếp dỡ container của Tập đoàn Gemadept đã tăng 29% so với quý 1/2023, đạt 843 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của mảng này đi ngang so với cùng kỳ mặc dù sản lượng khai thác đã được cải thiện tích cực. Nguyên nhân chủ yếu do hầu hết các cảng của Tập đoàn Gemadept vẫn đang duy trì phí xếp dỡ tương đương với cùng kỳ năm 2023.
Cảng Gemalink hiện được Tập đoàn Gemadept định hướng phát triển thành cảng nước sâu lớn hàng đầu trong khu vực.
Doanh thu từ lĩnh vực logistics đạt 163 tỷ đồng, giảm 34% so với quý 1/2023, chủ yếu do giá dịch vụ thuê tàu và kho vận đều giảm mạnh. Biên lợi nhuận gộp mảng này cũng bị thu hẹp còn 47% trong quý 1/2024, giảm 12 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết trong quý của Tập đoàn Gemadept tăng đến 358%, đạt 98 tỷ đồng. Sản lượng đến từ các khách hàng mới đã giúp Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hoá Sài Gòn (mã cổ phiếu SCS) và Cảng Gemalink ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 1/2024.
Theo đó, Dịch vụ Hàng hoá Sài Gòn đem về cho Tập đoàn Gemadept khoản lợi nhuận 50 tỷ đồng, tăng 44% so với quý 1/2023; Cảng Gemalink tạo ra 48 tỷ đồng lợi nhuận, so với mức lỗ 40 tỷ đồng của quý 1/2023. Hiện Tập đoàn Gemadept đang chi phối 36,42% vốn của Dịch vụ Hàng hoá Sài Gòn và 65,31% tại Cảng Gemalink.
Cuối cùng, Tập đoàn Gemadept ghi nhận lợi nhuận đột biến 335 tỷ đồng từ thương vụ chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Cảng Nam Hải. Ước tính lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ loại trừ thu nhập bất thường đạt 212 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện nhiều tổ chức tài chính duy trì quan điểm tích cực về tiềm năng tăng trưởng của Tập đoàn Gemadept trong năm nay.
Trong đó, theo đánh giá mới nhất của hãng chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sản lượng xếp dỡ container của các cảng thuộc Tập đoàn Gemadept tại cụm cảng Hải Phòng dự kiến đạt 1,2 triệu TEUs trong năm nay, tăng 9% so với năm 2023, nhờ nhu cầu xuất nhập khẩu phục hồi và số lượt tàu cập cảng duy trì khoảng 17 - 18 tàu/tuần.
Tương tự, sản lượng xếp dỡ container tại các cảng thuộc khu vực phía Nam dự kiến tăng 9% so với năm 2023, đạt 1,02 triệu TEUs, chủ yếu nhờ hưởng lợi từ việc kinh doanh tại Cảng Gemalink tăng tốc.
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu
Đối với Cảng Gemalink, Chứng khoán Rồng Việt nhận định, với việc các hãng tàu trên toàn cầu sẽ nhận nhiều tàu đóng mới trong năm 2024 và sẽ mở thêm một số tuyển hoặc thêm các chân cảng vào hải trình để tối ưu khả năng hai thác tàu, Cảng Gemalink kỳ vọng sẽ có thêm từ 1 - 2 tuyến tàu dịch vụ mới.
Dự kiến sản lượng container khai thác của Cảng Gemalink trong năm nay có thể tăng 40% so với năm 2023, đạt 1,4 triệu TEU. Đồng thời, Cảng Gemalink nâng phí xếp dỡ container thêm 10% theo Thông tư 39/2023/TT-BGTVT. Các yếu tố này sẽ giúp lợi nhuận đóng góp từ Cảng Gemalink vào Tập đoàn Gemadept ước đạt 360 tỷ đồng, cao gấp 21 lần so với năm ngoái.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, Cảng Gemalink đang được Tập đoàn Gemadept định hướng phát triển trở thành cảng nước sâu lớn hàng đầu khu vực với khả năng đón được tàu trọng tải tới 250.000 DWT - cỡ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay.
Các hãng tàu và doanh nghiệp vận tải hiện đều đánh giá cao vị trí thuận lợi cũng như chất lượng dịch vụ tại Cảng Gemalink. Đặc biệt, tốc độ xếp dỡ của cảng đang tốt hơn so với bình quân các nhóm cảng biển lớn trên cả nước.