Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
GMD: Cảng Gemalink sẽ trở thành cảng nước sâu lớn nhất khu vực
Chuyên mục:

Doanh nghiệp

{Tạp chí Công Thương - Nguồn không hợp lệ} | 09:43
Google news

 Sản lượng qua cảng Gemalink của Tập đoàn Gemadept (mã cổ phiếu GMD) trong năm nay dự kiến sẽ tăng tới 40% so với năm trước. Đáng chú ý, Tập đoàn Gemadept đang dồn lực phát triển cảng này trở thành cảng nước sâu lớn nhất khu vực, tiếp nhận được cỡ tàu container lớn nhất thế giới.

Sản lượng qua cảng Gemalink năm nay ước tính tăng 40%

Sau Giai đoạn 2, cảng Gemalink sẽ đón được tàu tàu trọng tải tới 250.000 DWT - cỡ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay

Kết thúc quý 1/2024, Công ty Cổ phần Gemadept (Tập đoàn Gemadept, mã cổ phiếu GMD - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.005 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước; lãi ròng tăng gấp 2,6 lần, đạt 656 tỷ đồng, do ghi nhận lãi từ thương vụ chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Công ty Cổ phần Cảng Nam Hải.

Nếu không tính thương vụ chuyển nhượng chuyển nhượng vốn, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn Gemadept vẫn tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 704 tỷ đồng trong quý 1/2024, nhờ hoạt động khai thác cảng tăng trưởng mạnh, đặc biệt là từ cảng Gemalink.

Cảng Gemalink hiện là cảng nước sâu có quy mô lớn nhất tại khu vực Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) do liên doanh giữa Tập đoàn Gemadept và CMA Terminals thuộc hãng tàu CMA CGM (Pháp).

Số lượt tàu cập cảng/tháng tại cảng Gemalink trongg 2 tháng đầu năm đã tăng 50%. (Nguồn: Cảng vụ Bà Rịa - Vũng Tàu, Tập đoàn Gemadept, BSC Equity Research).

Theo dữ liệu của BSC Equity Research, số lượng tàu cập cảng Gemalink trong 2 tháng đầu năm nay đã tăng 50% so với cùng kỳ giai đoạn 2021 - 2023. Hiện CMA CGM với 8 - 10 lượt tàu/lần/tháng đang là nhóm cung cấp sản lượng chính cho Gemalink trong 2 tháng đầu năm nay. Đáng chú ý, cảng này đã ghi nhận việc tăng mới các lượt đón tàu lớn khác thuộc liên minh tàu biển Ocean Alliance (bao gồm các hãng tàu Evergreen, ONE...) với tần suất bình quân 4 lần/tháng. Qua đó, tạo ra động lực tăng trưởng mới cho hoạt động kinh doanh của cảng Gemalink.

Tính riêng 2 tháng đầu năm nay, sản lượng qua cảng Gemalink đạt hơn 230.000 TEUs, tăng 121% so với cùng kỳ năm 2023, và cao hơn nhiều so với mức tăng 33% của trung bình các cảng trên cả nước, cũng như mức tăng 61% của cụm cảng khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu. Các số liệu này cũng giúp củng cố triển vọng phục hồi của hoạt động vận chuyển qua các cảng biển.

Hiện BSC Equity Research ước tính sản lượng của cảng Gemalink trong năm nay có thể tăng 40% so với năm 2023, đạt 96% công suất thiết kế Giai đoạn 1 của cảng này (1,5 triệu TEUs).

Ngoài ra biên lợi nhuận của cảng Gemalink cũng tăng thêm 0,9 điểm phần trăm khi giá dịch vụ bốc dỡ tăng 10% so với năm ngoái theo Thông tư 39/2023/TT-BGTVT (có hiệu lực từ ngày 15/2/2024). Qua đó, đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn Gemadept.

Mục tiêu trở thành cảng lớn nhất khu vực kể từ năm sau

Số lượt tàu trọng tải trên 100.000 DWT cập cảng/tháng tại các cảng thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. (Nguồn: Cảng vụ Bà Rịa - Vũng Tàu, BSC Equity Research).

Hiện Tập đoàn Gemadept đang dồn lực thực hiện Giai đoạn 2 của cảng Gemalink với mức vốn đầu tư ước tính là 300 triệu USD. Sau khi hoàn thành, tổng công suất thiết kế của cảng này sẽ đạt 3 triệu TEUs - mức cao nhất so với các cảng đối thủ lớn khác trong khu vực Đông Nam Á.

Tập đoàn Gemadept cho biết hiện đang hoàn thiện hồ sơ để được kéo dài tối đa chiều dài cầu tàu tại cảng Gemalink lên mức 1,5 km nhằm đón được tàu trọng tải tới 250.000 DWT - cỡ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay, tạo lợi thế cạnh tranh trong khu vực.

Dữ liệu của BSC Equity Research cho thấy, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) sản lượng container của cảng Gemalink trong giai đoạn 2021 - 2023 là 8,4%/năm, so với mức âm 1,2%/năm của toàn ngành và khu vực lân cận. Điều này một phần đến từ việc đối tác CMA CGM thực hiện hiệu quả cam kết cung cấp sản lượng.

Đồng thời, các hãng tàu và doanh nghiệp vận tải đánh giá cao vị trí thuận lợi cũng như chất lượng dịch vụ tại cảng Gemalink. Đặc biệt, tốc độ xếp dỡ của cảng đang tốt hơn so với bình quân các nhóm cảng biển lớn trên cả nước.

Đây là hai yếu tố hàng đầu giúp Tập đoàn Gemadept thu hút được thêm các khách hàng lớn thường xuyên vào làm hàng tại cảng Gemalink, nhất là các tàu mẹ có tải trọng từ 100.000 DWT trở lên, lớn gấp 1,01 - 4,6 lần so với các cảng khác tại khu vực lân cận.

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu 

Với việc Dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2026, lượng hàng hoá tại các khu công nghiệp ở tỉnh Đồng Nai có thể sẽ được chuyển về cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thay vì vào khu vực cảng tại TP.Hồ Chí Minh vốn đã trong tình trạng quá tải.

Tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng TCIT và TCCT thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã gần như hoạt động tối đa công suất thiết kế (2 triệu TEUs/năm). Do đó, cảng Gemalink được kỳ vọng sẽ khai thác phần lớn lượng hàng hoá tăng thêm của cụm cảng.

Với các yếu tố tích cực như trên, BSC Equity Research hiện nhận định tăng trưởng mảng cảng biển của Tập đoàn Gemadept sẽ đạt gần 16%/năm trong năm sau, với động lực chính đến từ cảng Gemalink. Mức tăng trưởng này cao gấp nhiều lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dự kiến khoảng 4,0 - 4,5%/năm theo Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 8/5, thị giá cổ phiếu GMD đạt 84.900 đồng/cổ phiếu.

Duy Quang

Link gốc

 

Thị trường đóng cửa
GMD
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục