Các hành vi thao túng báo cáo tài chính (BCTC) trên thị trường chứng khoán ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, tác động xấu đến niềm tin của nhà đầu tư, cũng như mức độ minh bạch của thị trường tài chính. Chính vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước, các công ty kiểm toán và bản thân các nhà đầu tư.
Cần có sự chung tay của tất cả các bên liên quan để giảm thiểu nguy cơ thao túng BCTC trên thị trường chứng khoán. Ảnh: ST
Gia tăng các hành vi thao túng báo cáo tài chính và không công bố thông tin
Chất lượng báo cáo tài chính (BCTC) và các vấn đề về quản trị lợi nhuận luôn được các chủ thể tham gia thị trường tài chính quan tâm. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, người cung cấp thông tin luôn muốn các chỉ số tài chính trên BCTC đẹp nhất để thu hút nhà đầu tư. Trong khi người sử dụng thông tin cần độ tin cậy, trung thực để có cái nhìn toàn diện về tình hình tài chính của doanh nghiệp, từ đó đưa ra quyết định đầu tư ít rủi ro nhất. Do đó, các doanh nghiệp cung cấp thông tin có xu hướng thao túng các chỉ tiêu trên BCTC, vi phạm các nguyên tắc trong lập và trình bày BCTC.
Các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp có nhiều động cơ trong việc trình bày sai lệch các thông tin trên BCTC và việc thao túng BCTC được sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, tại các thời điểm khác nhau. Việc thao túng này có thể phục vụ lợi ích trước mắt của doanh nghiệp như huy động vốn, giảm áp lực thanh khoản…, nhưng để lại những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng cho cổ đông và nhà đầu tư.
Tại Việt Nam, thống kê hằng năm và nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán có thể sử dụng rất nhiều hành vi thao túng BCTC khác nhau để điều chỉnh số liệu tài chính theo mong muốn. 5 hành vi thao túng BCTC phổ biến nhất của các công ty niêm yết bao gồm: Ghi nhận nợ phải thu (và doanh thu) quá mức; Điều chỉnh các khoản trích lập dự phòng để ghi giảm chi phí; Chuyển thu nhập của kỳ này sang kỳ sau; Không ghi nhận chi phí phải trả (thực tế đã phát sinh nhưng chưa nhận được hóa đơn); Không công bố đầy đủ giao dịch với các bên liên quan.
Các nhân tố có ảnh hưởng nhiều nhất tới các hành vi thao túng BCTC của các công ty niêm yết bao gồm: Hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận để được khen thưởng và các phúc lợi khác; Đòn bẩy tài chính cao, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng; Ban giám đốc gây sức ép với nhân viên hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh bằng mọi giá; Cơ chế giám sát của kiểm toán nội bộ còn hạn chế do chưa đảm bảo tính độc lập, khách quan; Ban giám đốc quá chú trọng việc tăng giá của cổ phiếu.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, sai phạm liên quan đến việc gian lận BCTC và không công bố thông tin cũng trở nên phổ biến với nhiều vụ việc liên quan đến các công ty: Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết (BBT), Công ty Cổ phần Dược Viễn Đông (DVD), Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF), Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG); Tập đoàn FLC; Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE), Vinaconex (Mã: VCG)... Theo đó, hành vi thao túng BCTC của các công ty chủ yếu sử dụng kỹ thuật loại bỏ những phần xấu nhất trên BCTC thông qua các giao dịch tài chính với bên thứ ba “throw out the Problem child”, hoặc tạo ra các SPE (một công ty con được công ty mẹ tạo ra với mục đích là cô lập rủi ro tài chính) với mục đích đặc biệt như trường hợp của Dược Viễn Đông, Gỗ Trường Thành.
Nâng cao vai trò và chất lượng kiểm toán
Việc thao túng BCTC của các doanh nghiệp niêm yết sẽ để lại những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng cho cổ đông và nhà đầu tư nên cần có sự chung tay của tất cả các bên liên quan. Các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán là một trong những khách thể mà BCTC cần được kiểm toán hằng năm bởi một đơn vị kiểm toán độc lập theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập (năm 2011). Chính vì vậy, việc giảm thiểu các nguy cơ thao túng BCTC trên thị trường chứng khoán phải có tham gia mạnh mẽ của các kiểm toán viên và công ty kiểm toán.
Theo đó, các công ty kiểm toán khi kiểm toán các doanh nghiệp niêm yết cần kiểm soát chất lượng kiểm toán chặt chẽ từ việc chấp nhận, duy trì quan hệ khách hàng và hợp đồng kiểm toán; kiểm soát chặt chẽ khâu lập kế hoạch kiểm toán, đánh giá rủi ro và phân công nhóm kiểm toán; hướng dẫn, giám sát và thực hiện, soát xét BCTC trước khi phát hành báo cáo kiểm toán; lưu trữ tài liệu, hồ sơ kiểm toán. Bên cạnh đó, các công ty kiểm toán cần tăng cường các khóa đào tạo chuyên môn, các khóa đào tạo nâng cao nhận thức về trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cho các kiểm toán viên nhằm ngăn chặn các hành vi thao túng thông tin tài chính.
Ngày nay, với sự phát triển mạnh của công nghệ, các công ty kiểm toán xem xét ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, hoặc sử dụng các mô hình dự báo các vấn đề quản trị lợi nhuận M-Score, F-Score dựa trên hiểu biết về ngành nghề kinh doanh của đơn vị được kiểm toán; hiểu về cấu trúc sở hữu và các kỹ thuật đánh giá các khoản dồn tích (Accrual test) kết hợp với các mô hình định lượng để phát hiện các dấu hiệu bất thường trong BCTC của khách hàng. Các kiểm toán viên cần tích cực tham gia các lớp cập nhật kiến thức nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, cũng như nắm vững tư tưởng, trách nhiệm nghề nghiệp của mình trong kiểm toán và công bố thông tin.
Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán cần đưa ra các tiêu chí nghiêm ngặt hơn trong việc lựa chọn các công ty kiểm toán được phép kiểm toán doanh nghiệp niêm yết và tổ chức đánh giá, kiểm soát chất lượng hằng năm với các công ty này. Đồng thời, cần có chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn với các công ty kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề vi phạm đạo đức nghề nghiệp, cũng như các nguyên tắc trong kiểm toán BCTC; xử lý nghiêm minh với các doanh nghiệp vi phạm quy định, luật hiện hành về kiểm toán. Với những sai phạm gian lận, thông đồng với khách hàng che giấu, làm sai lệch thông tin trọng yếu trên BCTC gây ảnh hưởng tới lợi ích công chúng cần tước chứng chỉ kiểm toán viên hành nghề, hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp kiểm toán vĩnh viễn.
Đặc biệt, bản thân các doanh nghiệp niêm yết cần nâng cao trách nhiệm giải trình và chất lượng thông tin BCTC trước cổ đông, nhà đầu tư. Ban lãnh đạo cần có tư duy, chiến lược phát triển dài hạn và bền vững. Hội đồng quản trị, đặc biệt là các thành viên độc lập, và Ban kiểm soát cần được trao thêm quyền hạn và trách nhiệm để giám sát và kiểm tra chặt chẽ hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Bộ phận kiểm toán nội bộ tăng cường việc kiểm tra, soát xét BCTC trước khi công bố; yêu cầu thiết lập Ủy ban kiểm toán trong các đơn vị có lợi ích công chúng gắn liên với tối ưu cấu trúc quản trị công ty. Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi sang áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRSs).
Về phía nhà đầu tư, việc tự trang bị cho mình kiến thức tốt nhất để đọc hiểu và phân tích thông tin tài chính cơ bản là cần thiết để chủ động phát hiện ra các hành vi thao túng BCTC, trước khi đưa ra quyết định đầu tư hay thực thi quyền giám sát các công ty niêm yết khi tham gia thị trường với vai trò cổ đông./.