Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đạt 40,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023. Với tín hiệu tích cực này, cùng sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng sản phẩm, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc nông sản Việt phải có giải pháp để mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới làm chủ thị trường.
Nông sản Việt ngày càng khẳng định giá trị cao trên thị trường. Ảnh ST
Xuất khẩu nông sản bứt phá, tăng đồng loạt ở các ngành hàng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong tháng 8, dù phải tiếp tục đối diện với nhiều thách thức trong và ngoài nước, xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục tăng trưởng ấn trưởng ấn tượng, đạt 5,55 tỷ USD, tăng 12,3% so với tháng 8/2023. Trong đó, giá trị xuất khẩu của tất cả các nhóm ngành hàng đều tăng.
Thông tin cụ thể về kết quả này, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) Nguyễn Văn Việt cho biết, trong tháng 8/2024, ngành hàng tăng cao nhất là nông sản đạt 2,99 tỷ USD, tăng 22,6%; tiếp đó là lâm sản đạt 1,45 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước; thủy sản đạt 900 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Nổi bật là các sản phẩm hàng rau quả tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8/2024 đạt 750 triệu USD, tăng 29% so với tháng trước và tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2023.
“Đây là những con số tăng trưởng ấn tượng, vượt ngoài dự báo” – ông Việt cho biết.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 40,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nông sản đạt 21,32 tỷ USD, tăng 24%; lâm sản đạt 10,97 tỷ USD, tăng 19,7%; thủy sản đạt 6,23 tỷ USD, tăng 7,6%; chăn nuôi đạt 324 triệu USD, tăng 0,3%.
Trong 8 tháng đầu năm, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam. Trong đó, Mỹ chiếm tỷ trọng 21,4%, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc chiếm 20,4%, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm 2023 như: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,24 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước; rau quả đạt 4,63 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam xuất khẩu 1,05 triệu tấn cà phê với kim ngạch 4,03 tỷ USD, giảm 11,9% về lượng nhưng lại tăng 36,1% về giá trị. Trong nhóm thủy sản, xuất khẩu tôm mang về 2,41 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; cá tra đạt 1,2 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT), một tin vui khác với nông sản Việt, đó là chất lượng nông sản ngày càng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường và được nhiều thị trường đánh giá cao. Bên cạnh đó, nhờ áp dụng các quy chuẩn, cũng như quy trình chế biến theo chuỗi nên giá trị sản phẩm nông sản cơ bản đảm bảo, cũng như vấn đề nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm được chú trọng.
Đánh giá về mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản trong năm nay, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định, với kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ đạt được kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho ngành nông nghiệp là 54 - 55 tỷ USD.
Tính chuyện chủ động, chọn thị trường "chất" cho nông sản
Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản tiếp tục trở thành điểm sáng, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần đặt ra những yêu cầu mới cao hơn về xuất khẩu nông sản. Trong đó, cần quan tâm hơn đến chất lượng của thị trường, thay vì một thời gian dài nông sản Việt vẫn phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, dẫn đến rủi ro cao.
Với những giá trị được khẳng định, đã đến lúc nông sản Việt cần chủ động trong việc lựa chọn thị trường. Ảnh: N.Lộc
Nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Công Thương, Bộ NNPTNN nghiên cứu, đánh giá và đưa ra những giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường tiêu thụ. Theo Bộ NNPTNT, vấn đề này đang được triển khai quyết liệt và là nhiệm vụ trọng tâm, bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang các thị trường mới, kể cả những thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU). Song việc đa dạng hóa thị trường cũng cần đi đôi với việc nghiên cứu thị trường để có những hợp đồng cụ thể, có những định hướng chiến lược cho phát triển nông sản.
Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT trong phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra mới đây.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam), sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang có những bước thay đổi rõ rệt, kéo theo đó là yêu cầu mở rộng thị trường tiêu thụ để đảm bảo giá trị nông sản được ghi nhận tốt hơn. Do đó, Bộ NNPTNT cần có giải pháp tham mưu cho Chính phủ để sớm có chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, mở rộng các thị trường mới cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, chủ trương mở cửa thị trường đã được nhất quán để tăng cơ hội tiêu thụ nông sản từ trong nước đến nước ngoài.
Với việc nâng cao giá trị sản phẩm, đã đến lúc nông sản Việt phải chủ động về thị trường, phải nghĩ đến các thị trường chất lượng để phát huy hiệu quả và mang lại giá trị cao hơn cho nông sản Việt, thay vì phụ thuộc và chịu rủi ro quá lớn từ thị trường như vừa qua
Ông Trần Đức Viên - nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp để xây dựng Nghị định thư với các nước, qua đó thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại các thị trường tiềm năng, mang lại giá trị cao hơn cho nông sản xuất khẩu.
“Chúng ta không thể nói vấn đề thị trường nếu hàng hóa của chúng ta không theo chuẩn thị trường. Đây là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp và của cơ quan tham gia xúc tiến, đàm phán về thị trường, đó là cần nắm bắt, làm việc với các thị trường để thống nhất các tiêu chuẩn này”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, để mở rộng thị trường, ngoài những nỗ lực từ các khâu sản xuất, chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm, vai trò của công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường nước ngoài rất quan trọng. Trong đó, cần tập trung xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm có kim ngạch nhập khẩu lớn và đối với các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn. Đơn cử như tại thị trường châu Âu, mỗi năm EU nhập khẩu hơn 160 tỷ USD các mặt hàng nông sản nhưng nông sản từ Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 4% trong số đó. Điều này cho thấy, dư địa để tăng thị phần cho nông sản Việt Nam tại đây là rất lớn.
Ngoài ra, cần chú trọng khảo sát với các thị trường mới nổi, thị trường tiềm năng “rộng cửa” đón nhận nông sản Việt trong tương lai. Để làm được điều này, đòi hỏi hoạt động xúc tiến thương mại phải đổi mới mạnh mẽ từ hình thức đến chất lượng theo hướng liên kết vùng, khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương. Tại mỗi thị trường, cần nhấn mạnh vào một vài sản phẩm có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh, tránh dàn trải để tạo ấn tượng tốt với thị trường.
Bên cạnh đó, cần tổ chức cập nhật, dự báo thông tin, kết hợp với đại diện thương mại ở nước ngoài để kịp thời phát hiện cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng, những tin bất lợi đối với xuất khẩu Việt Nam và thông tin kịp thời đến người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu để chủ động phối hợp, ngăn ngừa.
N.LỘC