Người trồng cao su ở tỉnh Quảng Trị đang rất phấn khởi khi giá mủ cao su tăng cao so với nhiều năm qua.
Đến tháng 12/2024, Quảng Trị có trên 19.000 ha cao su, tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ. Sản lượng bình quân hàng năm đạt từ 18.000 - 19.000 tấn mủ cao su khô. Trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp thu mua và chế biến mủ cao su nên đầu ra ổn định.
Chế biến mủ cao su xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN
Vĩnh Linh là một trong những huyện có diện tích cây cao su nhiều nhất tỉnh với trên 6.500 ha, tập trung ở các xã: Vĩnh Thủy, Kim Thạch, Hiền Thành, Vĩnh Hà và thị trấn Bến Quan. Những ngày qua, người dân thị trấn Bến Quan tập trung thu hoạch mủ cao su để bán. Theo ông Phạm Xuân Dũng, Trưởng Khóm 3, thị trấn Bến Quan, giá mủ cao su tươi đông có giá bán từ 16.000 – 17.000 đồng/kg, cao nhất trong nhiều năm qua.
Trong giai đoạn từ năm 2012 - 2020 giá mủ cao su tươi đông xuống thấp chỉ ở mức 8.000 – 10.000 đồng/kg; mủ cao su khô cũng chỉ có giá từ 25 - 30 triệu đồng/tấn. Năm 2021 giá mủ cao su tươi đông tăng lên 14.000 – 15.000 đồng/kg; mủ cao su khô có giá từ 43 - 45 triệu đồng/tấn. Sau năm 2021 giá mủ cao su lại xuống và trong vụ thu hoạch năm 2024 mủ cao su tăng giá trở lại.
Hiện giá mủ cao su tươi đông có giá từ 16.000 – 17.000 đồng/kg; mủ cao su khô được các nhà máy thu mua với giá 45.000 – 50.000 đồng/kg. Đây là tín hiệu vui cho những người nông dân, doanh nghiệp trồng và chế biến cao su trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Cao su là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Quảng Trị. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, ổn định 25.000 ha cao su ở các vùng gò đồi phía Tây thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ; sản lượng mủ cao su khô đạt 35.000 – 40.000 tấn/năm. Bên cạnh đó tỉnh cũng khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cao su già cỗi; hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến mủ cao su; tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân không tự phát chuyển đổi cao su sang cây trồng khác khi mủ cao su xuống thấp.
Ngoài thường xuyên biến động về giá, người trồng cao su ở Quảng Trị còn gặp rủi ro khi có gió bão làm gãy đổ cây cao su hàng loạt. Để hạn chế thiệt hại do gió bão, tỉnh quy hoạch vùng trồng cao su ở những vùng xa bờ biển và vùng ít chịu tác động của gió bão.