Gần một thập kỷ sau khi cởi bỏ “chiếc áo” nhà nước, CTCP Tập đoàn Gelex (HOSE: GEX) đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam.
Ngày 14/8/2024, 300 triệu cổ phiếu GEE của CTCP Điện lực Gelex (Gelex Electric) chính thức chào sàn HOSE. Được thành lập vào năm 2016, Gelex Electric là thành viên quan trọng của Gelex, đảm nhận mảng sản xuất thiết bị điện và năng lượng của tập đoàn này.
Việc chuyển sàn thành công mở ra bước phát triển mới của Gelex Electric, hệ sinh thái Gelex cũng bổ sung thêm một cổ phiếu mới trên sàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam, bên cạnh GEX của Gelex và VGC của Tổng Công ty Viglacera.
Tập đoàn Gelex (tiền thân là Tổng Công ty Thiết bị kỹ thuật điện) được thành lập từ năm 1995 trên cơ sở tập trung các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nghiên cứu kỹ thuật điện của Bộ Công Thương.
Vào cuối năm 2015, Bộ Công Thương thoái toàn bộ vốn Nhà nước, tương đương 78,74% vốn điều lệ công ty, đánh dấu bước chuyển mình của Gelex.
Sau 9 năm trở thành doanh nghiệp tư nhân, Gelex đã có những phát triển vượt bậc. Tính đến cuối quý 2/2024, tổng tài sản của tập đoàn này đạt 52.443 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 22.237 tỷ đồng, cao lần lượt gấp 11 lần và 7,5 lần so với cuối năm 2015 – thời điểm Bộ Công Thương thoái vốn.
Sự phát triển những năm vừa qua của Tập đoàn Gelex ghi đậm dấu ấn của Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn. Dưới sự lèo lái của vị doanh nhân sinh năm 1984, Gelex trở thành tập đoàn đa ngành với hàng loạt thương vụ M&A lớn như CTCP Kho vận Miền Nam (Sotrans), Tổng CTCP Đường Sông miền Nam (Sowatco), CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco)…
Gelex Electric - thành viên đảm nhận mảng sản xuất thiết bị điện của Tập đoàn Gelex. Ảnh:
Đáng chú ý nhất, vào tháng 4/2021, Gelex hoàn tất mua vào 18,5 triệu cổ phiếu VGC của Tổng Công ty Viglacera, nâng tỷ lệ sở hữu từ 46,1% lên 50,2%. Viglacera trở thành công ty con của Gelex, mảng sản xuất vật liệu xây dựng và bất động sản khu công nghiệp cũng trở thành hai lĩnh vực kinh doanh chính khác của Gelex từ đó đến nay.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức vào hạ tuần tháng 3 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Hiền cho biết Gelex là một tập đoàn đầu tư, hiện tại nắm giữ 3 khoản đầu tư trực tiếp: Hạ tầng Gelex chuyên về năng lượng tái tạo, khu công nghiệp và vật liệu xây dựng; Điện lực Gelex chuyên về sản xuất kinh doanh thiết bị điện…; liên doanh với Tập đoàn Frasers (Singapore) chuyên về đầu tư nhà xưởng, kho bãi.
Không bó hẹp vào những nền tảng kinh doanh truyền thống, Gelex không ngừng mở rộng quy mô và lĩnh vực kinh doanh.
Trong hai ngày 7-8/8/2024, Gelex công bố đã mua tổng cộng 89 triệu cổ phiếu EIB, nâng sở hữu của Gelex tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – HoSE: EIB) lên 175 triệu cổ phần, tương đương 10% vốn điều lệ ngân hàng này, qua đó đưa Gelex trở thành cổ đông lớn nhất tại Eximbank.
Kể từ khi Bộ Công thương thoái toàn bộ vốn vào cuối năm 2015, Gelex chưa có năm nào báo lỗ. Quy mô của Gelex cũng được gia tăng đáng kể sau thương vụ M&A Viglacera, đưa doanh thu hằng năm từ dưới 20.000 tỷ đồng lên vượt ngưỡng tỷ USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Gelex ghi nhận doanh thu hợp nhất 14.910 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.770 tỷ đồng, tăng lần lượt 3,5% và 75% so với cùng kỳ, tương ứng hoàn thành 46% kế hoạch doanh thu và 92% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức cuối tháng 3 vừa qua. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 1.357 tỷ đồng, tăng trưởng 98%.
Nếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng của nửa đầu năm, Gelex khả năng cao sẽ hoàn thành mục tiêu lãi trước thuế 1.921 tỷ đồng đề ra cho năm 2024, đồng thời phá kỷ lục 1.666 tỷ đồng lãi sau thuế đạt được vào năm 2021 - năm Gelex hợp nhất kết quả kinh doanh với Viglacera.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng nợ phải trả của Gelex đạt 30.164 tỷ đồng, giảm 11% so với thời điểm đầu năm, trong đó nợ vay tài chính giảm từ gần 20.000 tỷ đồng xuống còn 17.328 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, quy mô tài sản của Gelex đạt 52.443 tỷ đồng, giảm 4,8%, tương đương 2.634 tỷ đồng so với cuối năm 2023, chủ yếu do tài sản cố định hữu hình giảm vì thoái vốn công ty con.
Theo BCTC quý 2/2024 của Gelex, trong kỳ, tập đoàn đã chuyển nhượng 80% vốn góp tại Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex Ninh Thuận, hạ sở hữu xuống còn 20%. Ngoài ra, Gelex cũng đã thoái toàn bộ vốn góp của Công ty TNHH MTV Điện gió Hướng Phùng và Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex Quảng Trị.
Nối dài hợp tác với các ông lớn Singapore nói riêng và ASEAN nói chung, vào cuối năm 2023, Gelex và Sembcorp Industries đạt thỏa thuận hợp tác đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Trong một diễn biến liên quan, vào ngày 19/6/2024, Sembcorp - tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng và đô thị của Singapore ra thông báo hoàn tất mua lại phần lớn cổ phần tại 3 công ty con của Gelex. Sau giao dịch, Sembcorp đã bổ sung tổng cộng 196MW công suất năng lượng mặt trời và gió đang hoạt động vào danh mục đầu tư của mình.
Bên cạnh đó, Sembcorp cũng sẽ mua 73% cổ phần của một công ty con khác trong hệ thống của Gelex. Công ty này sở hữu nhà máy thủy điện công suất 49MW. Việc hoàn tất thương vụ M&A này phù thuộc vào sự chấp thuận của cơ quan quản lý, dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm 2024
Dù thoái vốn hàng loạt thành viên quan trọng, chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Hiền khẳng định năng lượng vẫn là một trong những mảng đầu tư lớn của Gelex.
“Việc thoái vốn nằm trong chiến lược của tập đoàn, không phải thoái vốn hoàn toàn khỏi mảng này mà thoái vốn một phần các dự án vận hành để chọn đối tác có năng lực về tài chính, công nghệ và khả năng triển khai các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, đồng hành với Gelex trong các dự án tiếp theo,” Chủ tịch HĐQT Gelex cho biết.