Thị trường tiêu thụ khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp xi măng thua lỗ. Bộ Xây dựng cho biết từ năm 2023 đến nay, sản xuất clinker và xi măng sụt giảm nghiêm trọng. Các dây chuyền hoạt động trung bình toàn ngành chỉ đạt 75% tổng công suất thiết kế.
Tổng sản lượng tiêu thụ năm 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022. Bên cạnh đó, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng cho biết, tổng sản lượng sản xuất xi măng 6 tháng đầu năm nay ước đạt 44 triệu tấn, tương đương cùng kỳ. Các nhà máy chỉ chạy 70 - 75% tổng công suất thiết kế, tồn kho lũy kế tới 5 triệu tấn.
Thị trường tiêu thụ khó khăn cùng nhiều yếu tố không thuận lợi càng làm cho mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xi măng càng trở nên gay gắt, đặc biệt ở thị trường miền Bắc và miền Trung, khu vực có hầu hết các dự án mới và có tỷ lệ xuất khẩu cao hơn.
Có thể thấy trong mùa báo cáo tài chính (BCTC) quý II/2024, nhiều doanh nghiệp xi măng báo lợi nhuận giảm, thậm chí có công ty còn thua lỗ. Nhìn tổng thể thị trường, gam màu “xám” đã bao trùm hầu hết các công ty xi măng trên sàn chứng khoán.
Trong báo cáo sơ kết mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, Tổng công ty xi măng Việt Nam (Vicem) lỗ khoảng 863 tỷ đồng nửa đầu năm nay. Con số này tăng gần gấp đôi so với mức lỗ 441 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, ban lãnh đạo Vicem cũng cho biết đang gặp nhiều khó khăn khi ảnh hưởng tình hình thế giới, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, nguồn cung xi măng vượt xa so với nhu cầu; giá nguyên, nhiên liệu đầu vào vẫn ở mức cao. Tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sụt giảm, tồn kho tăng cao, một số nhà máy phải giảm năng suất hoặc dừng lò. Xu hướng dịch chuyển nhu cầu từ xi măng bao sang xi măng rời cũng gây áp lực cho Vicem do giá trị thương hiệu gắn với xi măng bao.
Theo đó, CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn (mã BTS) trong quý II/2024 báo lỗ 36,5 tỷ đồng và tổng cộng 6 tháng đầu năm bị lỗ 92 tỷ đồng. Đây là quý thứ 7 liên tiếp thua lỗ của doanh nghiệp xi măng này từ quý IV/2022...
Lãnh đạo Vicem Bút Sơn cho hay, giá vốn hàng bán tăng 5,19%, doanh thu bán hàng tăng 0,30% (tương ứng tăng 2 tỷ đồng). Thu nhập khác tăng 43,86% (tương ứng tăng 4,8 tỷ đồng), chi phí tài chính giảm 17,78% (tương ứng giảm 4,3 tỷ đồng), chi phí quản lý giảm 16,35% (tương ứng giảm 4,4 tỷ đồng).
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Vicem Bút Sơn lỗ ròng 92 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 32 tỷ đồng. Tổng tài sản của BTS tính đến ngày ngày 30/06/2024 giảm 3% so với đầu năm, còn gần 3.407 tỷ đồng.
Một đơn vị khác là CTCP Xi măng Vicem Hoàng Mai (mã HOM) báo lãi ròng quý II/2024 đạt hơn 270 triệu đồng, xấp xỉ so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, xét nửa đầu năm 2024, Vicem Hoàng Mai lỗ gần 40 tỷ đồng. Tính tại thời điểm cuối quý II/2024, công ty ghi nhận lỗ sau thuế chưa phân phối âm gần 65,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, đó là CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (mã HT1) với doanh thu thuần đạt 1.909 tỷ đồng, giảm gần 5% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các khoản chi phí, Xi măng Hà Tiên báo lãi ròng gần 46 tỷ đồng, giảm 22% so với quý II/2023.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, Xi măng Hà Tiên ghi nhận 3.403 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 8% so với nửa đầu năm 2023. Công ty báo lãi sau thuế đạt 21 tỷ đồng do thua lỗ trong quý đầu năm, song đã cải thiện so với mức lỗ gần 27 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 7.032 tỷ đồng và lãi sau thuế 23 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, công ty đã thực hiện được 52% chỉ tiêu doanh thu và 92% kế hoạch lợi nhuận năm. HT1 cho biết kết quả lợi nhuận đạt được là nhờ tiết giảm chi phí tài chính (giảm hơn 48,3% so với cùng kỳ năm trước).
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, hiện trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, khó thu hút nguồn vốn, thì không khó hiểu khi nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt phải kể đến xi măng (vật liệu xây dựng).
Cùng với đó, việc thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi, xi măng Trung Quốc dự báo sẽ dư thừa và cạnh tranh với xi măng Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu ở Philippines, Trung Mỹ, Nam Phi…thì việc “thất thủ” của nhóm xi măng là không tránh khỏi. Không những thế, tình trạng này còn có thể kéo dài tới hết quý IV/2024.