Trong danh sách nợ BHXH tháng 11 tại Quảng Ninh, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Hạ Long đang đứng đầu danh sách với khoản nợ gần 19 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 11 năm 2024, tổng số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh lên tới khoảng 200 tỷ đồng, chiếm 2,7% trong tổng kế hoạch thu BHXH của tỉnh năm 2024. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của khoảng 5.000 công nhân và người lao động.
Trong đó, tính đến hết tháng 10/2024, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Hạ Long đang đứng đầu trong danh sách với khoản nợ gần 19 tỷ đồng, kéo dài suốt 36 tháng, ảnh hưởng đến 235 lao động.
Ngoài ra. 1 loạt doanh nghiệp cũng bị điểm tên chây ỳ, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài dẫn đến quyền lợi của hàng trăm lao động bị ảnh hưởng như: Công ty CP May Quảng Ninh (TP Hạ Long) hết tháng 10/2024, Công ty nợ trên 4,5 tỷ đồng với thời gian 26 tháng, ảnh hưởng trực tiếp 131 lao động; Công ty CP Xe buýt Bãi Cháy Quảng Ninh nợ trên 2,6 tỷ đồng với thời gian 41 tháng ảnh hưởng đến 37 lao động; Công ty CP Thanh Tuyền Group (TP Đông Triều) nợ trên 2,4 tỷ đồng với thời gian 27 tháng kéo theo 60 lao động bị ảnh hưởng...
Số lao động trong các doanh nghiệp nợ BHXH hiện chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng số lao động do BHXH tỉnh quản lý (5.000 trên tổng số 266.000 lao động).
Trước tình hình này, BHXH tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giải quyết vấn đề. Trong 11 tháng đầu năm 2024, cơ quan BHXH đã tiến hành thanh tra đột xuất tại 45 doanh nghiệp, đồng thời ra quyết định xử phạt hành chính 25 trường hợp với tổng số tiền lên tới 461,3 triệu đồng.
Đặc biệt, với những doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, thái độ thiếu hợp tác hoặc không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH mặc dù đã bị xử phạt trước đó, BHXH tỉnh đã lập danh sách và chuyển hồ sơ đến Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an tỉnh Quảng Ninh) để tiến hành xử lý theo các quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015.