“Hãy kiên trì theo đuổi đam mê và khát vọng của mình, không ngừng cống hiến cho sự tiến bộ của cộng đồng và sự phát triển của Tổ Quốc. Hãy chinh phục khát vọng bằng cả khối óc và trái tim - Tôi làm được và phụ nữ chúng ta làm được”.
Tại sự kiện trao giải Women of Impact Awards tại Philippines, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG đã truyền thông điệp trên đến hàng nghìn nữ doanh nhân.
Với tinh thần nói được làm được, vị nữ tướng này đã chèo lái con thuyền BRG phát triển với hàng chục công ty thành viên và liên kết trên khắp đất nước, hội tụ gần 22.000 cán bộ nhân viên với trình độ tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân và các chuyên gia nước ngoài.
Nói về khởi điểm, bà Nguyễn Thị Nga sinh năm 1955 tại Hà Nội, trình độ Cử nhân Kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 1993, bà thành lập Tập đoàn BRG, khởi tạo với ngành nghề kinh doanh xuất nhập khẩu.
Đến nay, BRG đã xây dựng hệ sinh thái đa ngành với các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, bao gồm B - Banking (Tài chính - Ngân hàng), R - Real Estate (Bất động sản) và G - Golf.
Trong lĩnh vực Bất động sản, một số dự án trọng điểm của doanh nghiệp này hiện nay bao gồm quy hoạch chi tiết 1/500 cho toàn bộ diện tích hai bên trục Nhật Tân – Nội Bài với tổng diện tích lập Quy hoạch chi tiết là 2.080 ha gồm 4 đoạn chính với tổng chiều dài khoảng 11,7km.
Hay dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội tọa lạc ở vị trí kết nối trực tiếp giữa trung tâm thành phố Hà Nội và sân bay Quốc tế Nội Bài. Với tổng mức đầu tư 4,2 tỷ USD, dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội dự kiến sẽ có quy mô gần 272 ha chia làm 5 giai đoạn. Đây là dự án do BRG Group hợp tác cùng Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản).
Tòa tháp tài chính Phương Trạch dự kiến cao 108 tầng được xem là điểm nhấn kiến trúc độc đáo của dự án, nằm ngay điểm đầu vào cửa ngõ Thủ đô nhìn về cầu Nhật Tân.
Không chỉ bất động sản, BRG còn hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, sở hữu hàng loạt cái tên trải dài từ bắc vào nam như: Asian Hotel của Tp.Hồ Chí Minh, Diamond Westlake suites Hồ Tây, Mondial Hotel Huế…
Không chỉ dừng lại ở đó, bà Nga còn được xem là “mát tay” trong lĩnh vực sân golf. Thông tin trên website BRG Golf, loạt sân golf mà BRG Golf đang vận hành bao gồm Kings Island Golf Resort, Legend Đà Nẵng, Legend Hill Country Club, Ruby Tree Golf Resort - Hải Phòng…
Doanh nghiệp này cũng đang đẩy mạnh mảng bán lẻ với chuỗi hơn 100 siêu thị và cửa hàng mang thương hiệu BRG Mart và FujiMart rộng khắp.
Không chỉ được biết đến là Chủ tịch Tập đoàn BRG, Madame Nguyễn Thị Nga còn được biết đến là nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank).
Trước khi dừng chân tại SeABank, bà Nga từng là Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch thứ nhất HĐQT, Uỷ viên HĐQT Ngân hàng TMCP Châu Á - Thái Bình Dương từ tháng 2/1998 - 9/2001.
Từ năm 2002 - 3/2007, bà Nga là Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Từ tháng 6/2008 đến 4/2018, bà Nga đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT tại SeABank.
Tuy nhiên, năm 2017, Luật các TCTD Sửa đổi, bổ sung quy định, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Bà Nga lựa chọn giữ ghế nóng tại BRG. Hiện bà là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT SeABank.
Dù vậy, không thể phủ định, dưới sự dẫn dắt của bà Nga, SeABank đã có những bước chuyển mình đáng kể. Ngay năm 2008, ngân hàng này đón cổ đông ngoại đầu tiên là đối tác chiến lược Socíeté Générale với 15% vốn sở hữu.
Thời gian sau đó, Socíeté Générale cũng tiếp tục nâng thêm sở hữu tại ngân hàng lên mức tối đa 20%. Đến đầu năm 2019, sau 10 năm gắn bó, cổ đông ngoại này đã rút vốn khỏi SeABank. Mối duyên với rể ngoại của ngân hàng đứt gánh từ đó.
Đầu năm 2010, SeABank chính thức thay đổi bộ nhận diện thương hiệu để phù hợp với chiến lược kinh doanh bán lẻ.
Dưới thời bà Nga, kết quả hoạt động kinh doanh của SeABank cũng tăng trưởng vững vàng. Từ mức vốn điều lệ 500 tỷ đồng năm 2006, kết thúc tháng 9/2024, mức vốn điều lệ của ngân hàng đã đạt 28.350 tỷ đồng, tăng gần 57 lần so với năm 2006.
Tổng tài sản của ngân hàng tăng gấp 14 lần từ 10.200 tỷ đồng năm 2006 lên 140.487 tỷ đồng vào năm 2008. Tính đến 30/9/2024, tổng tài sản của ngân hàng là gần 288.518 tỷ đồng, tương đương tăng 28 lần so với năm 2006.
Lợi nhuận sau thuế của SeABank cũng tăng từ 99 tỷ đồng năm 2006 lên 321 tỷ đồng vào năm 2008. Kết thúc tháng 9/2024, mức lợi nhuận đã tăng gấp 36 lần lên 3.595 tỷ đồng.
Đã từng có thời điểm, nợ xấu tại SeABank ở mức gần 3%. Cụ thể, năm 2013, nợ xấu của ngân hàng này ở mức 2,97%. Tuy nhiên, chỉ tiêu này đã giảm xuống còn 1,4% vào năm 2015 và duy trì dưới 2% trong vài năm trở lại đây.
Tính đến 30/9/2024, tổng nợ xấu ngân hàng là 3.686 tỷ đồng, tăng 5,9% so với khoản 3.482 tỷ đồng hồi đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm từ 1,94% (năm 2020) xuống còn quả 1,87%. Ngoài ra, đến năm 2019, ngân hàng đã xoá sạch khoản nợ tồn đọng 745 tỷ đồng tồn tại từ năm 2013.
Với kết khả quan trong kinh doanh, ngày 24/3/2021, hơn 1,2 tỷ cổ phiếu của SeABank chính thức được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM với mã chứng khoán SSB. Tổng giá trị niêm yết thời điểm đó là 12.087 tỷ đồng, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 16.800 đồng/cổ phiếu.
Thời điểm đó, SeABank là ngân hàng thứ 2 thực hiện niêm yết trên HoSE kể từ đầu năm 2021 và là ngân hàng thứ 16 niêm yết tại HoSE.
Tại SeABank, theo thông tin cập nhật về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của ngân hàng, thời điểm ngày 29/10/2024, bà Nguyễn Thị Nga đang sở hữu gần 112 triệu cổ phần, tương đương tỉ lệ 3,936% vốn tại SeABank.
Người có liên quan của bà Nga cũng đang có gần 311 triệu cổ phần, tương ứng tỉ lệ sở hữu 10,954%. Như vậy tổng cộng, bà Nga và người có liên quan đang có 14,89% vốn tại SeABank.
Trong đó, chồng bà Nga là ông Lê Hữu Báu đang nắm giữ gần 51 triệu cổ phần, tương đương 1,785% vốn và các con của bà là bà Lê Thu Thuỷ - Phó Chủ tịch HĐQT SeABank đang có gần 66 triệu cổ phiếu, tỉ lệ 2,3% và ông Lê Tuấn Anh đang có 53 triệu cổ phần, tương ứng gần 1,9% vốn ngân hàng.
Ước tính với thị giá ngày 5/11 là 16.550 đồng/cổ phiếu, tổng khối tài sản của gia đình bà Nga sẽ rơi vào khoảng gần 7.960 tỷ đồng.
Thực hiện: Thu Hương
Thiết kế: Hoàng Yến