Quốc hội quyết định CPI năm 2024 tăng 4-4,5%, song dự báo được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024 đều khá lạc quan, dự báo thấp hơn mục tiêu, từ 3,2 - 3,5%.
Năm thứ 10 kiểm soát lạm phát theo mục tiêu
Sáng 4/1, Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá tổ chức hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024. Việc dự báo CPI cho cả năm 2024 ở thời điểm này sẽ góp phần quan trọng để cơ quan quản lý điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cả năm.
Nhìn lại năm 2023, các chuyên gia kinh tế có uy tín trong lĩnh vực này đều đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ khi đã kiểm soát lạm phát thấp hơn mục tiêu đề ra.
Theo TS. Ngô Trí Long, năm 2023 chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát... giúp Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Đáng lưu ý, CPI bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với bình quân năm 2022, đây là mức tăng cao hơn của bình quân các năm 2015, 2016, 2019 đến 2022 nhưng thấp hơn khá nhiều so với mức tăng CPI bình quân của các năm còn lại trong giai đoạn 2008 - 2023; lạm phát cơ bản bình quân năm 2023 tăng 4,16% so với bình quân năm 2022.
Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế uy tín.
Thành công càng có ý nghĩa khi đây là năm thứ 10 liên tiếp lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội.
Theo đánh giá của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), công tác quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng có ảnh hưởng lớn tới mặt bằng giá chung được thực hiện thận trọng ngay từ đầu năm cùng với việc chủ động trong công tác dự báo, đánh giá tác động, xây dựng kịch bản điều hành giá và tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.
Đây là yếu tố then chốt giúp cho việc kiểm soát lạm phát năm 2023 ở mức thấp, tạo cơ sở cho việc triển khai đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
Kinh nghiệm trong điều hành thời gian qua đó là việc xây dựng kịch bản điều hành giá sát với thực tiễn, là một trong các cơ sở quan trọng kiểm soát lạm phát.
Lạc quan dự báo lạm phát thấp hơn mức Quốc hội đề ra
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế có kinh nghiệm, trong năm 2024 dù dự báo còn nhiều khó khăn, nhưng lạm phát năm 2024 cũng sẽ tương đối “dễ thở” khi chúng ta có thể kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu.
Nguồn cung dồi dào góp phần giữ giá nhiều mặt hàng thiết yếu ổn định.
Thường đưa ra những dự báo khá sát với kết quả CPI hàng năm, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính dự báo lạm phát năm 2024 với nhiều kịch bản: Ở kịch bản cao tăng khoảng 3,5%; kịch bản thấp CPI tăng khoảng 2,5% và dự báo CPI năm 2024 trong khoảng 3%.
“Tuy nhiên, dự báo đó chưa tính đến giá các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý” - TS. Nguyễn Đức Độ nói thêm.
Theo TS. Ngô Trí Long, Chính phủ có kinh nghiệm trong điều hành giá hàng hóa và dịch vụ chiến lược, cùng với tổng cầu tiêu dùng chưa có dấu hiệu khởi sắc, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 từ 4% - 4,5% đã được Quốc hội thông qua hoàn toàn khả thi.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, những nhân tố ảnh hưởng tới lạm phát của Việt Nam năm 2024 gồm cả nhân tố khách quan do tác động từ nền kinh tế thế giới và cả các nhân tố từ nội tại nền kinh tế.
Tuy nhiên, về cơ bản là thuận lợi, khi lạm phát toàn cầu đã có xu hướng giảm thấp, dù vẫn còn ở mức tương đối cao có thể làm nền kinh tế Việt Nam nhập khẩu lạm phát.
Bên cạnh đó, dự báo giá của nhiều mặt hàng nguyên nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất có thể giảm xuống khi nền kinh tế tiếp tục hồi phục chậm chạp và nhu cầu toàn cầu chưa cao. Trong đó, giá mặt hàng là đầu vào của nền kinh tế đó là giá dầu có thể ổn định hoặc giảm nhẹ phản ánh lo ngại về nhu cầu toàn cầu chậm lại và căng thẳng thị trường tài chính.
Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố gây sức ép lên lạm phát, như: dự báo tăng trưởng cao trở lại ở một số quốc gia kéo theo lạm phát tăng; dự báo CPI tăng do thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và học phí giáo dục; tăng lương từ 1/7/2024…
TS. Đinh Trọng Thịnh dự báo trong năm 2024 nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu tăng cao, lạm phát của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 5,5% - 6,5% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,2% - 3,5%.
Một số chuyên gia dự báo CPI bình quân 2024 sẽ dao động ở mức 3,5% - 3,6%. Tuy nhiên, theo TS. Ngô Trí Long, dự báo CPI sẽ thấp hơn mục tiêu đề ra, lý do chính là bởi năm 2024, tình hình kinh tế thế giới và trong nước sẽ còn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn thách thức, nên áp lực lạm phát năm 2024 không quá lớn. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo “CPI vẫn nằm trong tầm kiểm soát song vẫn tiềm ẩn rủi ro tăng mạnh”.
Trong quản lý, điều hành giá năm 2024, Cục Quản lý giá cho biết, sẽ tiếp tục phát huy các thành công vừa qua, Bộ Tài chính sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và thực hiện theo thẩm quyền đồng bộ các giải pháp, biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác quản lý giá.
Trong đó, tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp. Giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường trong nước để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá, đặc biệt trong các thời điểm có biến động giá như lễ tết, điều chỉnh chính sách tiền lương.
Theo Cục Quản lý giá, để kiểm soát lạm phát, các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.