Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
DPC: Nhựa Đà Nẵng lãi trở lại trong quý III/2024
Chuyên mục:

Doanh nghiệp

Nhà đầu tư | 15:09
Google news

Sau thời gian thua lỗ, tình hình kinh doanh của CTCP Nhựa Đà Nẵng đã tích cực hơn trong quý III/2024 khi lợi nhuận sau thuế đạt 460,9 triệu đồng.

CTCP Nhựa Đà Nẵng (Mã: DPC) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 7,9 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn hàng bán giảm nhẹ còn hơn 4,4 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp đạt hơn 3,4 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ.

Trừ hết chi phí, DPC báo lợi nhuận sau thuế quý III đạt hơn 460,9 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty lỗ hơn 1,3 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả khá tích cực khi trong hai quý đầu năm nay, doanh nghiệp lần lượt lỗ hơn 953 triệu đồng (quý I/2024) và lỗ hơn 543 triệu đồng (quý II/2024). Trước đó, trong các năm 2022, 2023 DPC lỗ ròng lần lượt 15,6 tỷ đồng và 7,3 tỷ đồng.

Sau thời gian dài thua lỗ, đến quý III/2024, lợi nhuận sau thuế của Nhựa Đà Nẵng đã đạt hơn 460,9 triệu đồng. Ảnh: N.T

Lý giải nguyên lợi nhuận quý III/2024 tăng trưởng tích cực, DPC cho hay, do doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng, trong khi đó, giá vốn hàng bán giảm nên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng.

Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng năm 2024, dù doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 18,8% so với cùng kỳ, đạt 27,1 tỷ đồng song vẫn lỗ sau thuế hơn 1 tỷ đồng.

Trong năm 2024, DPC đặt mục tiêu doanh thu 69 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5 tỷ đồng. Như vậy, DPC mới đạt 39,2% mục tiêu doanh thu.

Tại ngày 30/9, tổng tài sản của DPC ở mức hơn 72,8 tỷ đồng, giảm hơn 2 tỷ đồng so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chỉ chiếm hơn 9 tỷ đồng, tăng 4,6% so với đầu năm, trong đó, hàng tồn kho tăng 3,7% lên hơn 5,6 tỷ đồng (chủ yếu là nguyên vật liệu, thành phẩm và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang), các khoản phải thu ngắn hạn tăng 63,6% lên hơn 1,8 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, đến cuối tháng 9, nợ phải trả của DPC hơn 47,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm 2024. Nợ ngắn hạn khá lớn, ở mức 24,7 tỷ đồng. Riêng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm 21,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với đầu năm 2024.

DPC (có địa chỉ tại Khu công nghiệp Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) tiền thân là Nhà máy Nhựa Đà Nẵng thành lập năm 1976. Năm 2000, doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần.

DPC chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng nhựa gia dụng, nhựa công nghiệp, nhựa kỹ thuật, nhựa xây dựng; kinh doanh các loại nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị phục vụ ngành nhựa. Hiện, DPC có vốn điều lệ hơn 22,3 tỷ đồng.

Cách đây gần một tháng, DPC ghi nhận biến động nhân sự lãnh đạo khi Giám đốc điều hành Nguyễn Hữu Tuyến xin từ nhiệm. Ông Hồng Lê Việt lên thay, làm Giám đốc kiêm người đại diện của doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, cuối tháng 5 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận cho hơn 2,23 triệu cổ phiếu của Nhựa Đà Nẵng giao dịch trên thị trường UPCoM tại HNX vào ngày 28/5.

Động thái này được đưa ra sau khi HNX có quyết định về việc hủy bỏ niêm yết bắt buộc với cổ phiếu của Nhựa Đà Nẵng. Lý do, tổng số lỗ lũy kế tại 31/12/2023 của doanh nghiệp vượt quá vốn điều lệ thực góp, thuộc trường hợp hủy niêm yết bắt buộc theo quy định. Theo đó, tại báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2023, tổng số lỗ lũy kế của Nhựa Đà Nẵng là 23,9 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp là hơn 22,3 tỷ đồng.

Đây là lần thứ 2 cổ phiếu của Nhựa Đà Nẵng bị hủy niêm yết, sau lần đầu tiên vào năm 2009 cũng do vi phạm quy định về lỗ lũy kế. Cổ phiếu này niêm yết lần đầu vào năm 2001 trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, đến tháng 6/2009 chuyển qua sàn HNX.

Nguyễn Tri-Link gốc

Thị trường đóng cửa
DPC
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục