Các công ty cao su đều có bí quyết riêng để người lao động Campuchia xem những ngôi làng công nhân là quê hương thứ 2
Vào làm công nhân cao su cho các công ty thành viên Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) tại Campuchia, dân bản xứ không cần có trình độ chuyên môn vì sẽ được đào tạo. Họ còn được lo chỗ ở, không chỉ cho bản thân mà gia đình cũng được hưởng các điều kiện cơ bản như điện, đường, trường học, trạm y tế, trạm phát sóng điện thoại - internet và xây chùa để phục vụ đời sống tâm linh của người dân.
Gần gũi với công nhân
Vào buổi chiều muộn, khi đang đi bộ quanh Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên - Kampong Thom, bất ngờ chúng tôi nghe được âm thanh sôi động từ ngôi làng sáng đèn bên cạnh.
Đó là dãy nhà song lập sáng trưng ánh đèn và toát lên không khí ấm cúng khi nhiều gia đình quây quần bên bữa cơm chiều. Bên ngoài còn có cả một tạp hóa di động trên chiếc xe van. Vui nhất là khu vực sân có lũ trẻ hào hứng nhảy nhót và cười đùa trong nhà trò chơi đệm lò xo theo tiếng nhạc.
Công nhân chế biến cao su tại nhà máy của Công ty TNHH Cao su Mekong - Kampong Thom
Lúc này, chúng tôi bỗng dưng lo lắng vì cảm giác "đi lạc" bởi không có người dẫn đường và không biết tiếng địa phương. Nhưng khi gọi Zalo cho ông Nguyễn Hoàng Thắng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên - Kampong Thom, để báo vị trí thì được ông trấn an: "Làng công nhân của mình đấy, mọi người cứ dạo chơi thoải mái, không phải lo gì cả!".
Chúng tôi dạo quanh làng và nói tiếng Việt "cao su", bà con trong làng đều nở nụ cười thân thiện, có nhà còn mời chúng tôi vào dùng bữa.
Khi quay lại công ty, ông Thắng nói ở các dự án cao su Việt, cán bộ, nhân viên người Việt sống rất gần gũi với công nhân và được quý mến, khác với một số dự án của nước ngoài khác tại Campuchia kín cổng cao tường, cách biệt với bên ngoài. Công ty hiện có khoảng 1.600 lao động người Campuchia, tiền lương bình quân hơn 380 USD/tháng, cao hơn mức sống người dân địa phương.
Ông Hoàng Hữu Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Bà Rịa Kampong Thom (diện tích cao su gần 5.400 ha, 1.116 lao động bản xứ), nhớ lại ngày đầu sang nước bạn làm dự án, tuyển công nhân là một trong những khó khăn lớn. "Bất đồng ngôn ngữ, dân cư thưa thớt nên khó tuyển người. Người dân địa phương chưa từng biết đến cây cao su nên phải đào tạo, hướng dẫn từ đầu bằng cách cầm tay chỉ việc" - ông Hữu Tuấn kể.
Ông Lâm Thanh Phú, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên - Kampong Thom, nói rằng đầu tư ở nước ngoài, bất đồng ngôn ngữ là một rào cản lớn nhưng bằng "cái tâm, cái tình", công ty đã gầy dựng được đội ngũ nhân lực địa phương đồng hành phát triển dự án. Hiện, công ty có nhiều lao động bản xứ, gắn bó với dự án từ những ngày đầu. Về định hướng lâu dài, công ty xây dựng dần đội ngũ quản lý người Campuchia với yêu cầu chỉ cần giỏi kỹ thuật, biết đọc, biết viết rồi đào tạo dần.
Nhập gia tùy tục
Cũng theo ông Hữu Tuấn, Campuchia có nhiều ngày lễ, người dân thích du canh du cư nên việc rèn kỷ luật lao động không dễ. Sau này, việc quản lý lao động cũng dần vào nền nếp nhưng hiện năng suất lao động tại đây vẫn còn thua lao động tại Việt Nam 15%-20% và cũng có những chuyện công ty phải nhượng bộ. "Ngày 7 hằng tháng, sau khi công ty phát lương xong là tất cả công nhân đều nghỉ để ăn chơi, mua sắm. Mình không cho nghỉ họ cũng nghỉ nên phải nhượng bộ" - ông Hữu Tuấn nói.
Với cây cao su, mỗi năm có 2 tháng lá rụng nghỉ cạo mủ, ở Việt Nam công nhân có thể nghỉ 1 tháng vì ít việc, chủ yếu là phòng chống cháy nổ, trang bị vật tư cho vườn nhưng tại Campuchia, công ty phải duy trì việc làm thường xuyên tránh thời gian "nhàn rỗi". "Nếu thời gian nghỉ kéo dài, công nhân đi nơi khác thì rất khó quay trở lại" - Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Bà Rịa Kampong Thom chia sẻ kinh nghiệm.
Trong khi đó, Công ty TNHH Phát triển cao su Phước Hòa Kampong Thom (diện tích 7.700 ha, 1.445 lao động người Campuchia) lại rất quan tâm đầu tư sửa chữa nhà ở công nhân, nhà đội để công nhân có nơi nghỉ ngơi và ăn giữa ca,… Đây là DN đầu tiên tại Campuchia tổ chức ăn giữa ca cho công nhân khai thác. Công ty đã trang bị dụng cụ phục vụ nấu ăn giữa ca tại các nhà đội, thực hiện các ngày ăn mì, hủ tiếu, phở xen kẽ lẫn nhau. Những khi phải cạo mủ tăng cường, công ty hỗ trợ thêm 300.000 đồng/ngày cho mỗi đội để tăng cường thêm nhu yếu phẩm như thịt bò, thịt heo, xương, rau củ... "Bữa ăn giữa ca góp phần giảm đáng kể tình trạng thiếu hụt lao động, giúp công nhân gắn bó với công ty và giới thiệu thêm người đến làm việc" - đại diện Công ty TNHH Phát triển cao su Phước Hòa Kampong Thom chia sẻ.
Tại Công ty TNHH Cao su Mekong - Kampong Thom, có dự án nằm trên địa bàn 2 tỉnh Kampongthom và tỉnh Preah Vihear (diện tích hơn 5.700 ha), cũng ưu tiên tuyển dụng người bản địa vào làm việc, chủ yếu là người dân tộc Kuy. Toàn công ty có 1.171 người Campuchia, trong đó 1.152 lao động trực tiếp, bình quân mỗi người phụ trách 6,5 ha cao su.
Ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Mekong - Kampong Thom, cho biết trả lương cho công nhân đúng, đủ, kịp thời trong bất cứ tình huống nào cũng là cách để giữ chân người lao động. Ngoài ra, công ty còn cung cấp đồ bảo hộ lao động, nhà ở và tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm (tai nạn lao động, y tế và bảo hiểm xã hội) cho người lao động.
Theo ông Tuấn, hiện công ty đang áp dụng chế độ lương, thưởng cho công nhân theo mô hình vừa khoán sản lượng và vừa tính công nhật nên năng suất lao động chưa cao. Thời gian tới, công ty sẽ chọn những hộ gia đình tiêu biểu để thực hiện mô hình giao khoán, sau đó triển khai đại trà để nâng cao năng suất lao động.
Điểm đến sau du học
Các công ty cao su Việt Nam còn là nơi lựa chọn của các sinh viên người Campuchia sau khi du học tại Việt Nam. Như trường hợp ông Sar Van Din (sinh năm 1980), hiện là Phó Giám đốc phụ trách đối ngoại Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên - Kampong Thom. Ông là người đã đầu quân cho công ty từ những ngày đầu khai hoang - trồng mới vào năm 2007.
Ông Sar Van Din có trình độ thạc sĩ, được đào tạo tại Việt Nam và từng làm việc ở UBND Kampong Thom trước khi làm cho dự án cao su. Ông cho biết các dự án cao su của Việt Nam không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn tạo công ăn việc làm ổn định, thu nhập công nhân cao su cao hơn mặt bằng chung nên đa phần đều gắn bó với công việc. Ngoài ra, các dự án cao su còn hỗ trợ cho dân quanh khu vực lân cận làm đường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Còn tại Công ty TNHH Phát triển cao su Phước Hòa Kampong Thom, có ông Buong Sophorn (sinh năm 1981), hiện là Trưởng phòng thanh tra bảo vệ công ty, từng có 5 năm học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Về nước, ông tìm việc ở Phnom Penh một thời gian sau đó mới xin về dự án cao su từ vị trí nhân viên tổ chức hành chính và gắn bó đến hiện tại. Bây giờ, phòng của anh Sophorn có 78 người làm nhiệm vụ bảo vệ tài sản và an ninh trật tự trong khu vực công ty quản lý. Sau thời gian làm việc ở công ty, ông Sophorn đã mua được đất và xây nhà riêng theo ý muốn. Ông cũng đang tích cực làm việc và học thêm nghiệp vụ về thanh tra, bảo vệ và không ngại bày tỏ muốn thăng tiến hơn trong công việc.