Nhiều doanh nghiệp địa ốc tích cực “xóa nợ” trái phiếu để tìm kiếm cơ hội mới. Phần lớn các trái chủ gặp tình trạng chậm trả trong giai đoạn 2022-2024 đã chọn tái cơ cấu nợ thay vì thanh lý tài sản đảm bảo.
Chuối xuất đi Hàn Quốc được bảo quản trong kho lạnh của Hoàng Anh Gia Lai. Nguồn: BCTN của
Chạy đua trả nợ sớm
Trong tuần cuối cùng của tháng 12, Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAG) liên tục công bố thông tin thanh toán tiền nợ gốc và lãi cho lô trái phiếu HAGLBOND16.26 với khoảng 1.043 tỉ đồng, theo đó số dư nợ gốc giảm xuống còn 753 tỉ đồng.
Số tiền này được chuyển từ Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG). Theo công bố của HNG, công ty này đã hoàn tất trả 4.228 tỉ đồng theo thỏa thuận cam kết ba bên với BIDV và HAG, trong đó thanh toán nợ lô trái phiếu trên là 2.314 tỉ đồng. HNG trước đó thuộc HAG, đã chuyển nhượng cho tập đoàn Thaco, mở đầu bằng sự kiện ký kết hợp tác chiến lược đầu tư vào năm 2018.
Phần dư nợ gốc còn lại của lô trái phiếu của HAG dự kiến sẽ được xử lý vào quí 2-2025, với lý do chưa trả được là vì “chưa thanh lý được một số tài sản không sinh lời”. Tại kỳ đại hội cổ đông thường niên năm ngoái, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAG kỳ vọng đến năm 2026, công ty sẽ xử lý xong các khoản nợ trái phiếu liên quan đến BIDV.
Tính đến cuối tháng 9-2024, HAG còn nợ 7.300 tỉ đồng trong tổng số 13.500 tỉ đồng nợ phải trả. Nếu tính thêm khoản tiền vừa được chi trả, từ “đỉnh nợ” vào quí 4-2016, tới nay, HAG đã trả hơn 22.000 tỉ đồng nợ vay, theo ước tính của Công ty chứng khoán VIS.
Một trường hợp khác cũng tăng tốc xử lý nợ trái phiếu vào cuối năm là Novaland, nhà phát triển bất động sản quy mô lớn vẫn còn nhiều dự án vướng pháp lý. Cuối tháng 12, HĐQT công bố nghị quyết về việc giảm giá chuyển đổi cho lô trái phiếu trị giá 300 triệu đô la Mỹ theo thỏa thuận tái cấu trúc trước đó. Theo đó, giá chuyển đổi giảm từ mức 40.000 đồng/cổ phiếu đưa ra hồi tháng 7 năm ngoái, về còn 36.000 đồng/cổ phiếu.
Cũng liên quan đến trái phiếu, cuối tháng 12 vừa qua, công ty này cũng đưa ra phương án mua lại trước hạn toàn bộ 21 mã trái phiếu phát hành từ năm 2020, với tổng giá trị theo mệnh giá là 7.000 tỉ đồng. Việc mua lại sẽ diễn ra ngay trong tháng 1 này theo hình thức thỏa thuận với giá mua cộng thêm tiền lãi phát sinh.
Bên cạnh đó, việc cơ cấu tài sản của Novaland vẫn tiếp tục diễn ra khi giảm vốn góp ở nhiều dự án, đây có thể được xem như là một hình thức bán tài sản khác nhưng chưa rõ ai mua. Chẳng hạn như giảm phần vốn góp từ hơn 2.200 tỉ đồng xuống còn gần 205 tỉ đồng tại Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Tân Kim Yến (TPHCM).
Trong diễn biến xử lý các khoản nợ trái phiếu đến hạn, phần lớn các trái chủ của lô trái phiếu có tài sản đảm bảo gặp tình trạng chậm trả trong giai đoạn 2022-2024 đã chọn tái cơ cấu nợ, tức là gia hạn thanh toán, thay vì chọn thanh lý tài sản đảm bảo, chủ yếu dưới dạng cổ phiếu và tài sản liên quan đến bất động sản, theo báo cáo cập nhật của đơn vị xếp hạng tín nhiệm VIS Ratings.
Những chuyển động mới của doanh nghiệp cho thấy thị trường bất động sản đang có những điểm sáng tích cực hơn, nhưng số liệu trên thị trường vốn vẫn cho thấy sự ngần ngại nói chung của thị trường. “Nhà đầu tư vẫn thận trọng trước rủi ro của trái phiếu bất động sản, thể hiện qua kỳ hạn phát hành ngắn hơn và lãi suất cao hơn, dù lãi suất tín dụng cơ bản đã ổn định trong hai năm qua”, báo cáo của Công ty xếp hạng tín nhiệm FiinRatings đánh giá.
Theo FiinRatings, có 27 doanh nghiệp thành công huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp trong năm qua. Tuy nhiên, kỳ hạn ngắn hạn với mức bình quân 2,64 năm, giảm đáng kể so với năm 2023 là 3,72 năm, đồng thời lãi suất danh nghĩa bình quân cũng cao hơn (11,07% so với năm trước đó là 10,46%).
Còn theo báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 12 các doanh nghiệp đã mua lại 27.458 tỉ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này nghĩa là tốc độ mua lại trái phiếu đã chậm lại. Trong năm 2025, ước tính sẽ có khoảng 216.670 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó trái phiếu bất động sản chiếm tỷ trọng hơn 55%.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Shinhan, dòng tiền trái phiếu phải trả của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2025 vẫn không thay đổi quá nhiều so với năm 2024. Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh được kỳ vọng sẽ chuyển biến tích cực hơn, từ đó giảm rủi ro hơn so với giai đoạn hai năm qua.
Lượng mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 tích cực hơn năm 2023. Nguồn: VBMA.
Tiếp tục chờ phục hồi
Điểm sáng của thị trường trong năm qua là những tín hiệu hồi phục nói chung của thị trường bất động sản khi giá tăng và một số dự án tái khởi động. Tuy nhiên, khó khăn trên thị trường vẫn còn rất nhiều khi diễn biến tăng chỉ khu biệt một vài phân khúc và một số khu vực đặc biệt.
Theo báo cáo kết quả khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quí 4-2024 của Tổng cục thống kê công bố mới đây, với ngành sản xuất xây dựng, lo ngại lớn nhất là nằm ở câu chuyện chi phí và không có hợp đồng mới (gần 45% doanh nghiệp lựa chọn). Bên cạnh đó, vấn đề dòng tiền kinh doanh vẫn gặp thử thách lớn khi có 26,3% doanh nghiệp không được thanh quyết toán đúng kỳ hạn, 21,8% doanh nghiệp cho biết vẫn thiếu vốn.
Trong tháng trước, các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục chạy đua hút vốn trên thị trường trái phiếu. Theo VBMA, chỉ riêng tháng 12, nhóm bất động sản đã phát hành gần 12.000 tỉ đồng, chiếm 35% tổng lượng phát hành toàn thị trường.
Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý một quy định mới có hiệu lực từ đầu năm 2025 là Luật chứng khoán sửa đổi, trong đó có điều chỉnh lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo VIS Ratings, ngoài việc tăng cường minh bạch thông tin, quy định mới cũng sẽ ngăn chặn các lô trái phiếu rủi ro cao, đến từ cả nhà phát hành và hạn chế nhà đầu tư cá nhân.
Cụ thể hơn, các công ty có rủi ro cao sẽ bị hạn chế phát hành trái phiếu ra công chúng; tiêu chí phát hành cũng sẽ chặt chẽ hơn, chẳng hạn như tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ, điều kiện về người đại diện trái chủ và xếp hạng tín nhiệm theo quy định. Điều này nghĩa là nếu doanh nghiệp “xấu” về bức tranh tài chính thì cũng sẽ gặp khó trên kênh phát hành trái phiếu.
Thực tế trong nửa cuối năm 2024, như một bài viết của KTSG Online đã đề cập, thực trạng hiện nay nhiều doanh nghiệp xung đột với đơn vị kiểm toán với nhiều lý do, từ việc định giá tài sản, đánh giá lại lợi nhuận cho đến việc kiểm toán viên bị đình chỉ hoạt động. Trong đó có cả Novaland phải tìm đơn vị kiểm toán khác, hay cổ phiếu HAG đang bị cảnh báo cũng từng gây tranh cãi về khả năng hủy niêm yết do lỗ lũy kế kéo dài.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ phải tính toán kỹ càng hơn với báo cáo tài chính của mình trong năm 2024. Với HAG, công ty đặt kế hoạch xóa lỗ hoàn toàn vấn đề lỗ lũy kế trong năm 2025. “Nếu đạt kết quả khả quan trong quí 4-2025 và đầu năm 2025, cổ phiếu HAG có thể ra khỏi diện cảnh báo và được cấp hạn mức margin trở lại”, Công ty chứng khoán VIS đánh giá.