Dù đã trở lại quỹ đạo với mức tăng trưởng cao, doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đứng trước nhiều thách thức trước nguy cơ từ các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Theo số liệu của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản thu về 7,95 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 52,3% so với kế hoạch của cả năm.
Có thể thấy, trải qua năm 2023 với nhiều biến động, ngành gỗ đã đạt được một số thành quả tích cực. Minh chứng rõ nét nhất được thể hiện qua tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2024.
6 tháng đầu năm, hầu hết tất cả các doanh nghiệp ngành gỗ đều có bức tranh tài chính với nhiều cải thiện, thậm chí có công ty tăng lãi bằng lần. Duy nhất có Gỗ Trường Thành, dù ghi nhận doanh thu giảm và lợi nhuận âm song đây vẫn là tín hiệu tích cực so với tình trạng lỗ nặng vào cùng kỳ năm 2023.
Thoát lỗ dù doanh thu giảm
Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF), doanh thu của công ty đạt 373 tỷ đồng trong quý II/2024, giảm nhẹ 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Sau thuế, công ty lỗ gần 4 tỷ đồng, dù vậy nhưng đây là tín hiệu cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 41,5 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái.
Về chênh lệch lợi nhuận, Gỗ Trường Thành giải thích rằng, sự chênh lệch lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu nhờ vào việc kiểm soát chi phí sản xuất tốt hơn và hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi. Hơn nữa, doanh thu tài chính của công ty cũng tăng nhờ vào chênh lệch tỉ giá.
Lũy kế nửa đầu năm 2024, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 696 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Sau thuế, công ty báo lãi 7,6 tỷ đồng, tăng trưởng vượt bậc so với số lỗ 39 tỷ đồng cùng kỳ.
Tiến hành cải tiến quy trình sản xuất trong quý II/2024 Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (HoSE: GDT) nhận "trái ngọt" dù doanh thu giảm nhẹ vẫn báo lãi tăng trưởng tới 96%, lên 20 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Gỗ Đức Thành cho biết công ty còn thực hiện dồn 2 nhà máy lại thành một nên ngoài việc tinh gọn nhân sự, loại bỏ chi phí vận chuyển, tiết kiệm chi phí quản lý, điều hành sản xuất hiệu quả nên năng suất lao động tốt hơn... Công ty còn có thêm lợi nhuận từ việc cho thuê nhà xưởng, nơi đã dời đi.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Gỗ Đức Thành đạt 156,7 tỷ đồng doanh thu và 31,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lần lượt tăng 3% và 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp ngành gỗ trở lại quỹ đạo
Là quán quân lợi nhuận ngành gỗ trong nửa đầu năm 2024, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam - CTCP (Vinafor; HNX: VIF) không những báo lãi tăng bằng lần mà còn vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cả năm.
Cụ thể, quý II/2024, Vinafor ghi nhận doanh thu đạt 416 tỷ đồng, tăng 28%. Sau thuế, công ty báo lãi 97 tỷ đồng, tăng gấp 2,9 lần cùng kỳ năm ngoái. Tất cả là nhờ tín hiệu phục hồi của thị trường.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty báo lãi tăng trưởng 54% lên 214 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm đã đề ra trước đó.
Chấm dứt đà sụt giảm trong năm 2023, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Gỗ An Cường (HoSE: ACG) trong quý II/2024 đạt 1.025 tỷ đồng, tăng 6%.
Bên cạnh đó, nhờ lãi tiền gửi tăng mạnh, doanh thu hoạt động tài chính cũng ghi nhận tăng gần 19%, lên 44 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các khoản chi phí khác trong kỳ lại tăng mạnh đột biến từ 567 triệu đồng vào quý II/2023 lên 55 tỷ đồng vào quý II/2024; tương đương tăng 99 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do phát sinh khoản tiền chậm nộp thuế trị giá 42 tỷ đồng.
Kết quả, Gỗ An Cường báo lãi sau thuế 118 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm. Gỗ An Cường ghi nhận doanh thu đạt 1.720 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 199 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 39% so với cùng kỳ năm trước.
Còn tại Công ty cổ phần Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (HoSE: SAV) doanh thu thuần trong quý của Savimex đạt 253 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính, Savimex báo lãi 32,6 tỷ đồng, gấp 9,8 lần so với cùng kỳ quý II/2023.
Lũy kế nửa đầu năm 2024, Savimex ghi nhận doanh thu thuần đạt 469 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 40 tỷ đồng; tăng lần lượt 18% và 312% so với nửa đầu năm trước.
Nút thắt ngành gỗ
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), thị trường Hoa Kỳ, chiếm hơn 54% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam, đã chứng kiến nhiều thay đổi về chính sách thương mại.
Các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại liên tiếp; trong đó, Hoa Kỳ đã tiến hành ba vụ kiện liên quan đến ngành gỗ. Thêm vào đó, với việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, gây áp lực lớn lên chi phí và biên lợi nhuận.
Tại thị trường EU, VIFOREST cho biết, Quy chế Chống mất rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2024, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ khi phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc sản phẩm và các yếu tố liên quan đến môi trường.
Thị trường Đông Bắc Á, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng đã áp dụng các biện pháp mới làm tăng chi phí và rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Hàn Quốc quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với gỗ dán của Việt Nam, trong khi Nhật Bản đang triển khai hệ thống mua bán tín chỉ carbon, yêu cầu tuân thủ các quy định khắt khe về khí thải đối với các sản phẩm gỗ.