Bên cạnh các biện pháp “cấp tốc” thanh lý tài sản, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn giải thể các đơn vị thành viên kém hiệu quả, thu hẹp quy mô kinh doanh.
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều thách thức, ngày càng nhiều doanh nghiệp buộc phải lựa chọn hàng loạt các biện pháp mạnh như tiết giảm bộ máy nhân sự, thu hẹp quy mô, thanh lý tài sản đến giải thể các đơn vị thành viên kém hiệu quả để cầm cự trong giai đoạn khó khăn.
Có thể thấy, đa số doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp mạnh tay cắt giảm nằm trong ngành bất động sản – lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong giai đoạn khó khăn những năm qua.
Điều này cũng phần nào lý giải việc các cổ phiếu trong ngành vẫn “ngụp lặn” ở vùng đáy, cách xa đỉnh lịch sử hồi đầu năm 2022 trong bối cảnh VNIndex có mức tăng ấn tượng tiệm cận vùng 1.300 điểm trong hai năm vừa qua với hàng loạt cổ phiếu vượt đỉnh ở các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, sản xuất...
Việc tinh gọn bộ máy và danh mục hoạt động giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực cơ cấu tài sản cũng như tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, đảm bảo duy trì khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Thanh lý các loại tài sản hiện hữu
Mới đây, Công ty CP Đầu tư thương mại SMC đã phê duyệt việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Công ty TNHH MTV SMC Đà Nẵng với giá trị dự kiến hơn 96 tỷ đồng.
Để duy trì hoạt động, trong khoảng 12 tháng trở lại đây, SMC đã thực hiện nhiều đợt thanh lý tài sản. Trên thị trường, lỗ lũy kế hơn 68 tỷ đồng tính tới hết quý II/2024 đã khiến cổ phiếu SMC rơi vào diện cảnh báo và vẫn “ngụp lặn” ở vùng giá đáy trong tám năm qua.
Trong khi đó, từng là “ông lớn” trong ngành thép nhưng đà thua lỗ của Công ty CP Thép Pomina chưa thể dừng lại bất chấp những nỗ lực tái cơ cấu trong thời gian qua của ban lãnh đạo công ty.
Theo kế hoạch tái cấu trúc, Pomina dự kiến thành lập một pháp nhân mới là Công ty CP Pomina Phú Mỹ với vốn điều lệ khoảng 2.700 - 2.800 tỷ đồng (chiếm 40% cơ cấu vốn) và vốn vay ngân hàng khoảng 4.000 tỷ đồng (chiếm 60% cơ cấu vốn).
Trong đó, Pomina sẽ góp vốn bằng hiện vật là toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của các nhà máy Pomina 1 và Pomina 3 được định giá gần 6.700 tỷ đồng, nhằm đổi lấy 35% vốn điều lệ. Nhà đầu tư khác sẽ góp bằng tiền mặt để nắm giữ 65% cổ phần còn lại.
Công ty kỳ vọng thu hồi lại khoảng hơn 5.000 tỷ đồng từ pháp nhân mới để trả nợ cho ngân hàng (ngắn hạn và dài hạn) khoảng 3.757 tỷ đồng và trả nợ cho nhà cung ứng khoảng 1.343 tỷ đồng.
Ở mảng bất động sản, theo báo cáo bán niên kiểm toán, cùng với khoản lỗ đột biến hơn 7.300 tỷ đồng, Novaland còn cho biết nhiều kết quả đạt được trong các giả định hoạt động liên tục đã được đơn vị kiểm toán độc lập ghi nhận.
Đáng chú ý, bên cạnh các khoản gia hạn nợ, hỗ trợ tài chính… công ty đã buộc phải lên kế hoạch thanh lý tài sản theo mức giá bán dự kiến là 25.439 tỷ đồng bao gồm một tài sản đã được bán thành công và thu về 1.000 tỷ đồng; các hợp đồng nguyên tắc cho việc bán bảy tài sản với tổng giá trị 12.363 tỷ đồng; các biên bản ghi nhớ cho việc bán ba tài sản với tổng giá trị 9.100 tỷ đồng và các thư đề nghị không ràng buộc từ người mua cho việc bán ba tài sản với tổng giá trị 1.982 tỷ đồng.
Với dòng tiền từ các hỗ trợ vốn, thanh lý tài sản cùng với các giải pháp đồng bộ từ các cấp quản lý trong việc giải quyết khó khăn chung của thị trường, Novaland kỳ vọng sẽ có đủ nguồn lực duy trì hoạt động kinh doanh và đáp ứng các nghĩa vụ đến hạn trong thời gian tới.
Cũng rơi vào cảnh “vật lộn” trong nợ vay, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã quyết định thoái vốn hoàn toàn khỏi hai công ty con là Công ty CP Cơ khí và nhôm kính Anh Việt cùng Công ty CP Kỹ thuật Jesco Hòa Bình vào tháng 6 vừa qua.
Đồng thời, công ty còn phát hành thêm hơn 73 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thu hút 99 cổ đông mới là các doanh nghiệp trong nước tham gia để hoán đổi công nợ.
Gần đây nhất, Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt vừa phê duyệt phát hành hơn 34 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu để hoán đổi khoản nợ 30 triệu USD.
Đây là khoản nợ của Phát Đạt tại ACA Vietnam, được quyền chuyển đổi dư nợ gốc thành cổ phiếu phổ thông, không có tài sản đảm bảo và có giá trị hiện hành là hơn 730 tỷ đồng.
Nếu giao dịch chuyển đổi thành công, ACA Vietnam sẽ ngồi vào vị trí cổ đông của Phát Đạt thay vì là chủ nợ như hiện nay.
Tái cấu trúc danh mục đầu tư
Bên cạnh các biện pháp “cấp tốc” bán tài sản, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn giải thể các đơn vị thành viên kém hiệu quả, thu hẹp quy mô kinh doanh.
Ngay từ đầu năm nay, Tập đoàn Hà Đô đã đóng cửa chi nhánh miền Nam tại TP.HCM với lý do kế hoạch kinh doanh thay đổi, cần tổ chức lại doanh nghiệp.
Cũng trong lĩnh vực địa ốc, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) cũng đã giải thể liên tiếp ba công ty con nhằm tối ưu hóa hoạt động trong quý III/2024, bao gồm TTC Land Retail Management, TTC Land Phú Quốc và mới đây là TTC Land Hưng Điền. Đây đều là các thành viên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản của TTC Land.
Một trường hợp khác là Công ty CP Licogi 13 cũng có kế hoạch bán 30% vốn của Licogi13 – IMC, tương ứng 996.000 cổ phần cho ông Vũ Đức Lưu để thu về 9,96 tỷ đồng. Sau khi thoái bớt vốn, Licogi 13 sẽ hạ tỷ lệ sở hữu tại Licogi 13-IMC từ 62,78% xuống 32,78%.
Gần đây nhất, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động đã tuyên bố giải thể một loạt Công ty CP Thế giới số Trần Anh, Công ty CP 4KFarm và Logistics Toàn Tín như một phần trong chiến lược tái cấu trúc toàn diện, nhằm “giảm lượng tăng chất”.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài khi đó khẳng định việc tái cấu trúc vẫn sẽ được tiếp tục thông qua quá trình thu nhỏ và cắt bỏ các bộ phận chưa hiệu quả, đầu tư thời gian và tiền bạc vào những thứ quan trọng để tạo tăng trưởng cho tập đoàn.
Tập đoàn DIC, sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh “bết bát” nửa đầu năm, cũng đã thoái vốn tại hai công ty thua lỗ. Cụ thể, công ty thoái một phần vốn tại Công ty CP Gạch Men Anh Em DIC (DIC Anh Em) và thoái toàn bộ vốn tại Công ty CP Cao su Phú Riềng Kratie.
Ngoài ra, Hội đồng quản trị cũng quyết định giải thể Công ty TNHH MTV Vũng tàu Centre Point với vốn điều lệ 300 tỷ đồng sau một năm thành lập.