Năm 2024, thương mại của Việt Nam đã quay trở lại “đường đua” sau một thời gian chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. Xuất khẩu là một trong 3 động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc xuất khẩu tích cực sẽ là nền tảng quan trọng để chúng ta hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của cả năm 2024.
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Phương Anh
Tăng trưởng vượt bậc
Theo thống kê mới nhất, 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 335 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt gần 94 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt hơn 241 tỷ USD, tăng 12,8%.
Việt Nam xuất siêu hơn 23 tỷ USD
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 10/2024 xuất siêu 1,99 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2024, cán cân thương mại hang hóa xuất siêu 23,31 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 24,8 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,61 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,92 tỷ USD.
10 tháng qua, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm hơn 92% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Có thể kể đến như điện tử, máy tính và linh kiện, mặt hàng đạt giá trị lớn nhất, đạt 58,7 tỷ USD, tăng 26%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 43 tỷ USD, tăng 21,5%; dệt may đạt 30,6 tỷ USD, tăng 10,5%; giày dép đạt 18,6 tỷ USD, tăng gần 13%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,2 tỷ USD, tăng 21%. Ngoài ra nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt tốc độ tăng cao như: Cà phê tăng 39,2%; sản phẩm chất dẻo tăng 30,5%; rau quả tăng 27,8%; gạo tăng 23,5%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 18,4%; sắt, thép tăng 14,7%; thủy sản tăng 10,9%.
Trong các nhóm hàng xuất khẩu, tốc độ tăng kim ngạch cao nhất thuộc về nhóm hàng nông sản, lâm sản với mức tăng 24,7%. Các mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến có mức tăng chung là 14,4%.
Với nông, lâm, thủy sản, Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu. Thành công này đến từ nền tảng tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong nhiều thập kỷ qua, xây dựng được hệ thống thị trường ổn định và rộng mở. Năm 2024, việc ký kết 3 Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu với Trung Quốc cũng là một bước đi quan trọng, giúp mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông sản Việt. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường khó tính như UAE cũng đang được đẩy mạnh, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội mới cho ngành nông, lâm, thủy sản.
Lý giải yếu tố khiến xuất khẩu rau quả đạt được tăng trưởng cao, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng trái cây nước ta đang ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế. Khí hậu nhiệt đới cùng đất đai màu mỡ cũng giúp Việt Nam có được nhiều loại rau quả khác nhau với hương vị tươi ngon đặc trưng. Canh tác cây ăn quả trồng tại Việt Nam ngày càng nâng cao nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đạt được nhiều tiêu chuẩn quốc tế như VietGAP, Global GAP… nên khẳng định được chất lượng, sự tươi ngon, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, kể cả các thị trường khó tính.
Trong khi đó, dệt may Việt Nam đã vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ, đồng thời đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Dự kiến đơn hàng may mặc trong quý IV/2024 và quý I/2025 sẽ tiếp tục dồi dào.
Coi chuyển đổi sản xuất là động lực
Mặc dù là điểm sáng kinh tế, song, để giữ vững thị phần ở những thị trường lớn, đảm bảo ký kết hợp đồng đối tác lâu dài thì doanh nghiệp (DN) phải coi chuyển đổi sản xuất là động lực, là cơ hội để hoàn thiện và không ngừng nâng cấp sản phẩm.
Theo ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, DN cần kiên định mục tiêu xanh hóa chuỗi sản xuất. Đồng thời, thận trọng, quản trị chặt chẽ sản xuất kinh doanh, bám sát kế hoạch đã đề ra, nhận diện và phòng ngừa tốt rủi ro, không để xảy ra bất kỳ tình huống bất ngờ nào, cam kết hoàn thành kế hoạch.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam thì cho rằng, công nghệ bảo quản yếu, hạ tầng chưa đồng bộ, đường sá chưa phát triển, kho bãi, kho lạnh… chưa có nhiều là những thách thức lớn. Các rào cản kỹ thuật cũng đòi hỏi DN phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm. Do đó, việc duy trì, nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc... đòi hỏi người sản xuất, DN xuất khẩu phải chú trọng hơn.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đang khuyến nghị DN thận trọng và có chiến lược khi xuất khẩu. Ngoài việc bị ràng buộc bởi các quy định của Chính phủ và các nhà mua hàng, bản thân DN cần nhận thức rõ sự cần thiết và trách nhiệm của, xem như là điều kiện “sống còn” để giành được lợi thế cạnh tranh trong tương lai gần.
Liên quan đến xuất khẩu, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá lĩnh vực này vẫn cần trợ lực để phát huy hết tiềm năng cũng như tận dụng mọi cơ hội để tăng trưởng. Cơ quan quản lý cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kênh phân phối hiện đại, sàn thương mại điện tử; tạo điều kiện để phát triển thương hiệu. Đồng thời, cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến giao thương, xuất nhập khẩu.