Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
DLG: Tập đoàn Đức Long Gia Lai bị Thanh tra Chính phủ điểm tên
Chuyên mục:

Doanh nghiệp

Báo Lao Động | 20:06
Google news

Theo Thanh tra Chính phủ, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai nợ tiền thuê đất kéo dài nhiều năm.

Trụ sở Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai tại TP Pleiku, Gia Lai. Ảnh: Quang Thái/TTXVN

Đây là nội dung gây nhiều chú ý trong thông báo kết luận thanh tra vừa được Thanh tra Chính phủ công bố về trách nhiệm của UBND tỉnh Gia Lai trong quản lý, sử dụng đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường... từ ngày 1.1.2016 đến ngày 31.12.2020.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra, UBND tỉnh Gia Lai còn buông lỏng quản lý sử dụng đất, quản lý giám sát đầu tư, để xảy ra vi phạm, điển hình như:

Cấp chủ trương đầu tư trong khi chủ đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính; miễn tiền thuê đất sai quy định; có dự án xây dựng trên đất quy hoạch lâm nghiệp chưa được chuyển mục đích sử dụng đất (Nhà máy điện Yang Trung, Nhà máy điện Chơ Long);

Áp dụng phương pháp xác định giá đất cụ thể không đúng; không thu hồi tiền ký quỹ theo quy định đối với dự án chậm tiến độ; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chủ đầu tư chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính; xác định hệ số m3, xác định tiền sử dụng đất chưa đảm bảo theo quy định (Dự án Khu dân cư mới do Công ty Cổ phần May - Diêm Sài Gòn làm chủ đầu tư; Dự án Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại tại số 29 đường Nguyễn Văn Cừ).

Quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra việc UBND tỉnh Gia Lai không sắp xếp lại nhà đất công để tổ chức đấu giá theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19.1.2007 của Thủ tướng Chính phủ, nguy cơ thất thu ngân sách nhà nước tiền miễn giảm tiền thuê đất (Dự án đầu tư xây dựng Trường phổ thông Hoàng Diệu Asean);

Bên cạnh đó, khi phê duyệt hồ sơ mời đấu giá, đưa ra tiêu chí quá cao so với quy mô của dự án đã hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư khác, không đảm bảo sự cạnh tranh, công bằng, minh bạch (Dự án Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại TP Pleiku do Công ty FLC làm chủ đầu tư);

Tỉnh Gia Lai còn để doanh nghiệp nợ tiền thuê đất kéo dài nhiều năm (Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai - Tập đoàn Đức Long Gia Lai) nhưng không kiên quyết xử lý.

Như Lao Động đầu tháng 8.2024 phản ánh, Tập đoàn Đức Long Gia Lai vừa chính thức nộp đơn khởi kiện ra Tòa án Nhân dân (TAND) TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi liên quan đến việc Công ty Cổ phần Lilama 45.3 nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tập đoàn này.

Vào ngày 8.2.2023, Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Gia Lai ra bản án về việc tranh chấp thực hiện hợp đồng cung cấp, chế tạo và lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công giữa Công ty Cổ phần Lilama 45.3 (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) và Tập đoàn Đức Long Gia Lai.

Tòa án tuyên xử buộc Tập đoàn Đức Long Gia Lai phải thanh toán cho Công ty Cổ phần Lilama 45.3 số tiền hơn 17 tỉ đồng. Trong đó tiền nợ gốc 14,7 tỉ đồng, tiền lãi chậm thanh toán 2,3 tỉ đồng.

Tháng 7.2023, Công ty Cổ phần Lilama 45.3 gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Tập đoàn Đức Long Gia Lai và được TAND tỉnh chấp thuận, thông báo thụ lý đơn.

Tuy nhiên, Tập đoàn Đức Long Gia Lai kháng cáo, TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy quyết định của TAND tỉnh Gia Lai, khẳng định doanh nghiệp không mất khả năng thanh toán nợ.

Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho rằng, việc Công ty Cổ phần Lilama 45.3 gửi đơn kiện và được cơ quan chức năng thông báo thụ lý đơn gây thiệt hại đến thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp.

Bởi khi có quyết định mở thủ tục phá sản và thông tin lan truyền, ngay lập tức giá cổ phiếu và tâm lý các cổ đông của Tập đoàn Đức Long Gia Lai bị ảnh hưởng.

Lam Duy

Link gốc

Thị trường đóng cửa
DLG
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục
Cỡ chữ
NhỏLớn