Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp có thể kéo dài thêm 5 năm.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030.
Cơ quan này đánh giá, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030 sẽ không làm giảm thu do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Nếu được thông qua, Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Hiện, chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp đã thực hiện được hơn 30 năm và hiện đang miễn thuế đến hết ngày 31/12/2025 nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các địa phương đều cho rằng việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành cho giai đoạn tiếp theo là cần thiết.
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo Bộ Tài chính, số tiền giảm, miễn thuế đất này bình quân trên 3.268 tỷ đồng/năm, trong giai đoạn 2003-2010. Khoản này tăng gần gấp đôi, lên 6.308 tỷ đồng mỗi năm vào 6 năm sau đó. Ba năm qua, tiền miễn thuế đất nông nghiệp mỗi năm khoảng 7.500 tỷ đồng.
Theo tính toán của Bộ Tài chính đề xuất xuất kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành đến hết ngày 31/12/2030 thì số thuế được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.
Nông nghiệp luôn được đánh giá là ngành quan trọng và có lợi thế khiViệt Nam trở thành một trong những nước có một số mặt hàng xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm, các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 3 tỷ USD trở lên gồm có: gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, điều, cao su.
Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp ở nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn thấp, chiếm khoảng 1,3% tổng số doanh nghiệp. Trong đó, đa số là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về nhân lực, tài chính, khoa học công nghệ, khả năng phát triển thị trường và vùng nguyên liệu.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay, các địa phương khác đang tập trung triển khai quyết liệt tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó, gần 70% dân số sống ở nông thôn, sinh kế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.
Vì vậy, chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ giúp cho người nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp; chia sẻ khó khăn với nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển.
Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững; từng bước nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của nông sản Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.