Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đề xuất giảm một nửa mức thuế suất đối với đối tượng nộp thuế ở 3 bậc đầu tiên do thu nhập của nhóm này chỉ ở mức đủ trang trải cuộc sống.
Góp ý về nội dung xây dựng biểu thuế lũy tiến từng phần (Điều 22 dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thay thế), Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đề xuất điều tiết mức thuế suất thấp hơn đối với nhóm đối tượng nộp thuế ở 3 bậc đầu tiên, nhằm giảm gánh nặng cho người nộp thuế. Đơn vị này lý giải, thực tế, những người nộp thuế ở bậc thuế 1, 2 và 3 có thu nhập chỉ ở mức đủ để trang trải cuộc sống.
Cụ thể, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đề xuất giảm thuế suất bậc 1 (áp dụng cho phần thu nhập tính thuế từ 0-5 triệu đồng) xuống mức 2,5%, giảm một nửa so với mức 5% hiện nay.
Tương tự, ở bậc 2, thuế suất được đề xuất giảm từ 10% xuống còn 5%, áp dụng cho phần thu nhập tính thuế từ 5-10 triệu đồng mỗi tháng.
Đối với bậc 3, thuế suất cũng được kiến nghị giảm 5%, xuống còn 10%, áp dụng cho phần thu nhập tính thuế từ 10-18 triệu đồng mỗi tháng.
Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên cũng cho rằng, nên chia nhỏ số bậc thuế hơn nữa, thay vì để 7 bậc như hiện nay.
Trong khi đó, UBND tỉnh Ninh Thuận nêu quan điểm, mức khởi điểm chịu thuế cần điều chỉnh để phù hợp với mức sống hiện nay và tỷ lệ lạm phát. Biểu thuế lũy tiến cũng cần thiết kế với mức tăng dần hợp lý, tránh gánh nặng cho người thu nhập trung bình khá, nhưng vẫn đảm bảo người thu nhập cao đóng góp công bằng.
“Biểu thuế cần bổ sung khoảng trung gian nhiều hơn, giảm chênh lệch giữa các bậc thuế để tạo ra sự hợp lý, tránh hiện tượng “nhảy bậc” gây bất công”, UBND tỉnh Ninh Thuận nêu ý kiến.
Điều chỉnh biểu thuế theo hướng giảm bậc, nới khoảng cách
Phản hồi ý kiến góp ý, Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Luật đề xuất nghiên cứu, điều chỉnh biểu thuế luỹ tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú theo hướng cắt giảm số bậc thuế. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như tính đơn giản của biểu thuế và xu hướng cải cách thuế của các nước.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhấn mạnh, đây mới là khâu xây dựng đề cương nên chỉ tập trung làm rõ những vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Nội dung chi tiết và đánh giá cụ thể sẽ được Bộ nghiên cứu, đề xuất khi Luật được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội.
Hiện nay, biểu thuế lũy tiến từng phần với thu nhập từ tiền lương, tiền công được chia thành 7 bậc: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%. Tuy nhiên, biểu thuế dày và dồn ngay ở các bậc thu nhập đầu là bất cập được giới chuyên môn nhiều lần góp ý nhà điều hành sửa đổi.
Tại báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thuế TNCN thay thế, việc áp dụng biểu thuế luỹ tiến từng phần phổ biến tại nhiều nước. Theo đó, hầu hết các nước sử dụng để thu thuế theo các mức khác nhau với các nhóm người nộp thuế có mức thu nhập khác nhau. Việc này bảo đảm tính công bằng theo chiều dọc của chính sách thuế, tức là số thuế phải trả tăng theo sự gia tăng của thu nhập.
Theo Bộ Tài chính, tuy cách thức và phương thức thiết kế biểu thuế của các nước là khác nhau, tuỳ thuộc vào quan điểm riêng của mỗi nước nhưng xu hướng chung là đơn giản hoá thông qua việc giảm số bậc trong biểu thuế.
Cơ quan này dẫn chứng, biểu thuế của Indonesia hiện gồm 5 bậc với các mức thuế suất 5%, 15%, 25%, 30% và 35%. Tương tự, Philippines có 5 bậc thuế với các mức thuế suất 15%, 20%, 25%, 30%, 35%. Trong khi đó, một số quốc gia như Malaysia cũng đã giảm số bậc thuế từ 11 bậc (năm 2021) xuống 9 bậc (2024).