Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP và cơ chế thanh toán, quyết toán đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Bộ Tài chính cho hay, việc xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 28/2021/NĐ-CP là cần thiết, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các quy định tại luật được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp thứ 8, bao gồm: Luật PPP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 3 Luật số 57/2024/QH15), Luật Chứng khoán, Luật Ngân sách nhà nước (được sửa đổi bổ sung tại Luật số 56/2024/QH15), Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15.
Bên cạnh đó, Nghị định mới sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 28/2021/NĐ-CP.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP và cơ chế thanh toán, quyết toán đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT. (Ảnh: ST)
Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định tập trung làm rõ các quy định về quyết toán vốn đầu tư công trình hạ tầng, xử lý tài sản chuyển giao, sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP, phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự án PPP và cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Đặc biệt là nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong việc ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế tài chính trong đầu tư theo phương thức PPP, cơ chế thanh toán, quyết toán đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT.
Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư trong quá trình rà soát các vướng mắc Nghị định số 28/2021/NĐ-CP, dự thảo Nghị định đề xuất bổ sung, sửa đổi một số quy định cho phù hợp hơn, đảm bảo quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong hợp đồng PPP.
Thứ nhất là bổ sung quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán chi phí chuẩn bị đầu tư từ giai đoạn lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến khi ký kết hợp đồng PPP.
Thứ hai là bổ sung quy định về sử dụng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng tương ứng với phần vốn nhà nước tham gia dự án PPP.
Thứ ba là sửa đổi quy định liên quan đến chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo hướng tăng cường vai trò của nhà đầu tư khi xác định phần doanh thu cần chia sẻ. Đặc biệt, trình tự, thủ tục thực hiện cơ chế này phù hợp với quy định tại Luật số 57/2024/QH15 và định hướng sáp nhập, hợp nhất bộ máy quản lý nhà nước.
Cuối cùng, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung các mẫu biểu thanh toán, quyết toán phù hợp với thực tiễn, xử lý một số vướng mắc hiện nay.
Đáng chú ý, nội dung dự thảo Nghị định không có quy định liên quan đến việc bổ sung các khoản chi mới, thành lập các tổ chức, bộ máy mói để triển khai thực hiện. Do vậy, các nguồn lực về tài chính và nhân lực bảo đảm thi hành Nghị định sau khi được ban hành.
Bộ Tài chính kỳ vọng, Nghị định mới sẽ hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với quy định của Luật PPP sửa đổi, thể chế hoá đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư theo phương thức PPP, nhất là quản lý nguồn vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP; nâng cao trách nhiệm của các đối tượng áp dụng Nghị định này gắn với quyền lợi tương ứng.