Để đánh giá thực trạng, “sức khỏe” của đất trước khi chọn phân bón phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây trồng và từng giai đoạn sinh trưởng, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) có một đội ngũ chuyên làm công tác “khám bệnh” cho đất.
Chuyện “khám bệnh” cho đất của Phân bón Cà Mau
Hiểu đất như hiểu người
Đất trồng có vai trò vừa là “bệ đỡ” cho bộ rễ cây phát triển, vừa cung cấp thức ăn - nước cho cây trồng và hệ sinh vật. Đặc biệt trong môi trường đất có một lượng vi sinh vật rất phong phú, tạo ra chất dinh dưỡng tự nhiên cho cây trồng. Tuy nhiên, qua thời gian canh tác lâu dài, việc cải tạo không đúng cách, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng, cùng quá trình xói mòn, rửa trôi tự nhiên đã khiến đất bị suy thoái, dẫn đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo anh Lâm Văn Thông, Phó Trưởng ban Phát triển Sản phẩm mới và Giải pháp Dịch vụ Nông nghiệp PVCFC, nông dân thường bón phân theo tập quán, kinh nghiệm, chưa có thông tin đầy đủ về đặc tính đất của đồng ruộng của mình, nên thường sử dụng phân bón không phù hợp, khiến cây chậm phát triển và năng suất chưa đạt như mong muốn.
Nhận thấy được những khó khăn của bà con nông dân, ngay từ những ngày đầu thành lập vào năm 2012, Phân bón Cà Mau đã hợp tác với Đại học Cần Thơ và các viện nghiên cứu chuyên ngành tiến hành khảo sát, đánh giá đất để lập bản đồ đất và trên cơ sở xây dựng các công thức phân bón phù hợp cho từng vùng và cây trồng; triển khai các thí nghiệm quản lý dinh dưỡng chuyên biệt theo vùng để đưa ra các khuyến cáo bón phân phù hợp. Đồng thời Phân bón Cà Mau thường xuyên phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật; Chi cục Bảo vệ Thực vật và các trung tâm khuyến nông các tỉnh tổ chức các hội thảo, lớp tập huấn khuyến cáo sử dụng phân bón hiệu quả và cân đối cho bà con nông dân, góp phần phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng xanh và bền vững.
Phân bón Cà Mau xác định việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng là rất quan trọng. Đây là cơ sở để nghiên cứu phát triển các bộ sản phẩm phân bón khác nhau phù hợp cho từng đối tượng cây trồng và nhóm đất. Phân bón Cà Mau đã đặt ra sứ mệnh: “Góp phần bảo đảm an ninh lương thực và nguồn cung phân bón bằng cách tiên phong cung cấp các giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng”. Qua đó, Phân bón Cà Mau luôn đồng hành để cung cấp giải pháp quản lý dinh dưỡng và canh tác cho cây trồng cho bà con theo hướng bền vững.
Hằng năm, Phân bón Cà Mau vẫn tiếp tục thu thập, khảo sát phân tích đất cho các vùng canh tác cây trồng chính như lúa, cây ăn quả, cây cà phê… tại các vùng đất ở Việt Nam và Campuchia để nghiên cứu phát triển các bộ sản phẩm phân bón, các công thức phân bón và khuyến cáo bón phân cho phù hợp nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây trồng theo từng nhóm đất và vùng sinh thái khác nhau.
Gắn bó với nhà nông
Để đánh giá “sức khỏe” của đất, PVCFC có một đội ngũ chuyên làm công tác “khám bệnh” cho đất. Nơi vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió, nơi biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc… và cả ở nước bạn Campuchia đều in dấu chân của những người đi “khám đất”. Sau mỗi hành trình “khám đất”, các kỹ sư sẽ vẽ lên bản đồ đất trồng một điểm mới, để bà con nông dân dựa vào đó, sử dụng phân bón phù hợp cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, tận dụng tối đa lượng vi sinh vật có sẵn trong đất để trao đổi chất nuôi cây.
Anh Thông chia sẻ, Phân bón Cà Mau là công ty đầu cuối, ứng dụng công nghệ và sản phẩm dầu khí để sản xuất ra sản phẩm phân bón chất lượng và giải pháp quản lý dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng giúp cây trồng đạt năng suất tối ưu và nhờ bón phân cân đối hài hòa hữu cơ - vô cơ; các nguyên tố đa trung vi lượng nên tăng chất lượng nông sản thu hoạch và kéo dài tuổi thọ cây trồng lâu năm. Nhờ giảm chi phí canh tác và tăng năng suất nên giúp gia tăng giá trị và tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Phân bón Cà Mau luôn đồng hành cùng các nhà khoa học nghiên cứu đánh giá dinh dưỡng đất, để nghiên cứu phát triển các bộ sản phẩm phân bón hiệu quả và xây dựng các công thức phân bón cho phù hợp nhu cầu dinh dưỡng cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng và nhóm đất vùng sinh thái khác nhau; đồng thời tích cực phối hợp cán bộ kỹ thuật của các cơ quan quản lý nông nghiệp địa phương tổ chức hội thảo, tập huấn cho bà con.
Anh Lâm Văn Thông chụp ảnh cùng Tiến sĩ Roland Buresh - Chuyên gia người Mỹ ở Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI, người được xem là cha đẻ của phương pháp SSNM - Quản lý dinh dưỡng chuyên biệt theo vùng. Ảnh chụp tại IRRI - Philippines 2015
Nhưng công tác “khám đất” hiện gặp phải không ít những khó khăn, khi các hoạt động chưa được đồng bộ, gắn kết giữa các bên. Anh Thông cho biết, đánh giá sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng là hai cấu phần không thể tách rời. Tuy vậy, các hoạt động về đánh giá sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng còn rời rạc, chưa mang tính hệ thống, đa số mang tính phát hiện sơ bộ, không gắn với liên ngành, thiếu các dữ liệu về đất qua từng giai đoạn là rào cản cho việc đánh giá sức khỏe đất.
Đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khắc phục tình trạng thoái hóa đất, ô nhiễm đất, sử dụng tài nguyên đất nhưng chưa được triển khai hiệu quả trong thực tiễn và đồng bộ hệ thống hóa cho cả nước, đặc biệt các vùng canh tác nông nghiệp chính. Suy thoái đất đang diễn ra ngày càng trầm trọng trên diện rộng do từ thay đổi tập quán canh tác, thâm canh tăng vụ, bón phân không hợp lý, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu gây mặn hóa, sạt lở, xói mòn...
Kỹ sư của PVCFC lấy mẫu đất tại đảo Trường Sa Lớn
Nguồn lực của Phân bón Cà Mau cũng có giới hạn, chỉ có thể tập trung khảo sát đánh giá sức khỏe đất ở các vùng đất và cây trồng chính nên chưa thể đánh giá diện rộng, hệ thống hóa để phổ biến và hướng dẫn những giải pháp canh tác hiệu quả đầy đủ cho các loại cây trồng cũng như rộng rãi đến từng bà con nông dân.
Do đó, cần hợp tác công tư giữa chuyên gia nông nghiệp, cơ quan quản lý nông nghiệp trong việc triển khai các dự án đánh giá sức khỏe đất và giải pháp quản lý dinh dưỡng cây trồng; trên cơ sở đó xây dựng các công thức khuyến cáo sử dụng phân bón hiệu quả cho bà con và các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp theo hướng bền vững.
Sau mỗi hành trình “khám đất”, các kỹ sư sẽ vẽ lên bản đồ đất trồng một điểm mới, để bà con nông dân dựa vào đó, sử dụng phân bón phù hợp cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, tận dụng tối đa lượng vi sinh vật có sẵn trong đất để trao đổi chất nuôi cây.
Nguyễn Hiển