Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Dấu ấn từ tái cơ cấu của TKV
Chuyên mục:

Doanh nghiệp

Cổng Chính phủ điện tử | 06:21
Google news

Ngày 10/10/1994, Tổng công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV) thành lập. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam. Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn phát triển mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, từ khi thành lập đến nay, Tập đoàn đã trải qua nhiều lần tái cơ cấu sắp xếp lại bộ máy, lao động tinh gọn, hợp lý, góp phần nâng cao năng suất lao động, xây dựng TKV phát triển bền vững.

Khai trường sản xuất Công ty CP Than Cao Sơn.

Những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ trước, trước yêu cầu thống nhất quản lý hoạt động khai thác than, tránh thất thoát tài nguyên của đất nước, huy động sức mạnh tổng hợp để đáp ứng nhu cầu than cho công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế đất nước, ngày 10/10/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 563/QĐ-TTg thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam.

Ngày 8/8/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 198/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 199/2005/QĐ-TTg tổ chức lại Tổng Công ty Than Việt Nam và các đơn vị thành viên thành Tập đoàn Than Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Đây là Tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tiên được thành lập. Ngày 26/12/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam gia nhập Tập đoàn (khi đó là tổng công ty trực thuộc Bộ Công nghiệp).

Từ khi thành lập đến nay, TKV đã trải qua 3 giai đoạn lớn. Giai đoạn 1994 - 2005, giai đoạn hình thành và phát triển trong mô hình Tổng công ty 91. Giai đoạn từ 2005 - 2013, giai đoạn phát triển trong mô hình Tập đoàn kinh tế. Giai đoạn 2014 - 2024, TKV đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững. Nhiều đơn vị của TKV đã tiến hành hợp nhất, sắp xếp lại bộ máy, lao động phù hợp.

Điển hình tháng 8/2020, TKV là Tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tiên tiến hành hợp nhất hai công ty cổ phần là Công ty CP Than Cao Sơn và Công ty CP Than Tây Nam Đá Mài, thành Công ty CP Than Cao Sơn - TKV. Sau khi hợp nhất đến nay, Công ty CP Than Cao Sơn - TKV trở thành đơn vị khai thác lộ thiên có quy mô sản xuất, sản lượng khai thác cao nhất Tập đoàn.

Giai đoạn hiện nay, Than Cao Sơn đẩy mạnh tái cấu trúc nội bộ, sắp xếp bộ máy phòng ban, phân xưởng, công trường theo hướng ngày càng tinh gọn, hiệu quả góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, việc làm cho người lao động.

Ông Phạm Quốc Việt, Giám đốc Công ty CP Than Cao Sơn, cho biết: Sau hơn 4 năm hợp nhất, Công ty đã thực hiện xong công tác tái cơ cấu theo mô hình mẫu tập đoàn gồm 13 phòng, ban, 16 công trường, phân xưởng. Đến nay, Công ty đã ổn định sản xuất, kinh doanh, cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất cho người lao động. Điều này thể hiện sự đúng đắn về chủ trương tái cơ cấu các đơn vị trong Tập đoàn. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục củng cố đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư máy móc tiên tiến, ứng dụng chuyển đổi số, phấn đấu trở thành mỏ xanh - mỏ sạch - mỏ ít người, có quy mô sản lượng khai thác than lớn trong Tập đoàn.

Ông Lưu Quốc Thọ, Phó Quản đốc Công trường Cơ khí cầu đường 1, Công ty CP Than Cao Sơn, chia sẻ: Trước đây, Công ty CP Than Cao Sơn duy trì 2 đơn vị Công trường Cơ khí cầu đường 1 và Công trường Cơ khí cầu đường 2. Ngày 1/8/2024, Công ty hợp nhất 2 đơn vị thành Công trường Cơ khí cầu đường 1. Sau 2 tháng hợp nhất đến thời điểm này, bộ máy hoạt động đơn vị đã ổn định. Các vị trí việc làm của người lao động được sắp xếp hợp lý, chuyên môn hóa cao phát huy hiệu quả nhân lực, máy móc thiết bị để đảm bảo sản xuất.

Cuối tháng 6/2024, TKV hợp nhất 2 mỏ lộ thiên, gồm: Công ty CP Than Cọc Sáu và Công ty CP Than Đèo Nai thành Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV. Sau hơn 3 tháng hợp nhất, đến nay, Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV còn 23 công trường, phân xưởng, 14 phòng ban (giảm 1 nửa so với trước khi hợp nhất). Trong năm 2024, Công ty phấn đấu khai thác và tiêu thụ 3,655 triệu tấn than nguyên khai. Tiền lương bình quân của người lao động phấn đấu đạt hơn 10,3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh ổn định tổ chức bộ máy, Công ty tập trung quy hoạch các hạ tầng, thiết bị chung phục vụ sản xuất.

Công nhân Công ty CP Than Vàng Danh thể hiện quyết tâm thi đua sản xuất trước khi vào ca lao động.

Ông Đinh Thái Bình, Phó Giám đốc Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV, cho biết: Hiện nay, đơn vị đang quy hoạch hạ tầng dùng chung như đường, khu sàng tuyển, nhà điều hành… nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, tập trung điều hành ổn định sản xuất đáp ứng than cho các hợp đồng đã ký. Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ giải pháp đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất, đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới, cơ giới hóa, tự động hóa trong các dây chuyền, ổn định, phát triển sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động.

Lộ trình phát triển của TKV xác định mục tiêu phấn đấu trở thành Tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có cơ cấu hợp lý; tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp. Nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, giai đoạn 2014-2024, TKV đẩy mạnh tái cơ cấu, tinh gọn tổ chức để tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính (than, điện, hóa chất và cơ khí). Đến nay, tất cả các đơn vị sản xuất than đã chuyển về hoạt động theo mô hình 1 cấp, không còn các xí nghiệp trực thuộc. Mô hình tổ chức các phòng, ban trong toàn Tập đoàn cũng được tiêu chuẩn hóa.

Trong 10 năm (từ 2014 - 2024), TKV đã giảm 20 đầu mối doanh nghiệp thuộc Tập đoàn. Tính đến thời điểm 1/1/2024, TKV chỉ còn 65 công ty con, đơn vị trực thuộc Tập đoàn. Do tái cơ cấu tổ chức, định biên lại lực lượng lao động, xử lý lao động dôi dư và áp dụng các giải pháp 3 hóa (Cơ giới hóa - Tự động hóa - Tin học hóa), số lao động toàn Tập đoàn đã giảm từ 121,99 ngàn người năm 2014 xuống còn 94,67 ngàn người vào đầu năm 2024.

Nhờ thực hiện tốt tái cơ cấu góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, đáp ứng than cho nền kinh tế. Từ năm 1994 đến hết năm 2023, TKV đã khai thác hơn 850 triệu tấn, tiêu thụ gần 900 triệu tấn than. Hiện nay, trung bình mỗi năm TKV khai thác 37-42 triệu tấn than/năm.

Phạm Tăng

Link gốc

Thị trường đóng cửa
CST
Thị trường đóng cửa
TVD
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục